Tai biến mạch máu não là căn bệnh để lại tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt ngoài điều trị nội khoa, ngoại khoa, việc tập lý trị liệu – phục hồi chức năng (VLTL-PHCN)sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao, giúp bệnh nhân có khả năng phục hồi tốt.
Hiện nay, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã phối hợp đa chuyên ngành trong điều trị phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não và cho thấy hiệu quả cao.
Ông Huỳnh Ngọc Tường Ly (80 tuổi, ngụ P. Tam Hòa, TP. Biên Hòa) bị tai biến mạch máu não hai lần và chỉ cách nhau 1 năm, căn bệnh khiến ông bế tắc khi bị liệt hoàn toàn một nửa người phải. Vốn là một họa sĩ không thể cầm cọ để vẽ, kể cả sinh hoạt cá nhân hàng ngày cũng không thể tự làm khiến ông chán nản, hụt hẫng. Tuy nhiên, nhờ được điều trị tại Khoa VLTL-PHCN từ sớm, với sự kiên trì tập luyện, nhất là được các y bác sĩ hướng dẫn tập luyện đa chuyên ngành mà đến nay sức khỏe của ông đã cải thiện rất nhiều. Ông cũng tìm lại được niềm vui khi mỗi ngày đến đây chăm chút từng bức vẽ và tặng lại cho các y, bác sĩ của khoa.
ThS Nguyễn Như Giao - Trưởng Khoa Vật lý trị liệu-PHCN, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ chiếm khoảng 20%, tỷ lệ này cho thấy di chứng căn bệnh này để lại vô cùng lớn. Việc tập VLTL-PHCN càng sớm giúp người bệnh càng có nhiều cơ hội nâng cao khả năng sống độc lập, cải thiện cuộc sống và sớm hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
ThS Nguyễn Như Giao đang hỗ trợ bệnh nhân Ly phương pháp ngôn ngữ trị liệu.
Đơn cử như bệnh nhân Huỳnh Ngọc Tường Ly, bị tai biến mạch máu não cách đây 10 năm, cũng chừng ấy thời gian ông Ly gắn bó với khoa cho đến nay. Từ chỗ tai biến liệt nửa người không thể vận động, mất khả năng giao tiếp, rối loạn nuốt, không thể tự sinh hoạt. Đến nay sau thời gian phối hợp điều trị đa chuyên ngành, bệnh nhân đã hồi phục và đã có thể tự sinh hoạt nhẹ, nói được, ăn được và có thể vận động nhẹ được.
“Nói thì dễ nhưng với những bệnh nhân tai biến mạch máu não để cải thiện được như ông Ly là cả một quá trình nỗ lực, kiên trì của bác sĩ và của người bệnh”, - ThS Giao cho hay.
Anh Nguyễn Ngọc Anh (50 tuổi, ngụ P. Phước Tân, TP. Biên Hòa) bị đột quỵ cũng tham gia điều trị tại Khoa VLTL-PHCN Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, nếu không tập thì sẽ cứng tay, cứng chân, vận động sẽ khó khăn muốn làm gì cũng không được. Còn tập luyện thì dần dần cơ sẽ bớt cứng, qua đó giúp tay cầm nắm được. Trước đây anh không đi được, nhưng từ khi tập luyện tại bệnh viện nhờ các y bác sĩ hỗ trợ mà sức khỏe của anh ngày càng được cải thiện, hiện anh đã đi lại được.
Theo ThS Như Giao, để việc VLTL-PHCN đạt hiệu quả, chúng tôi can thiệp từ giai đoạn sớm. Bệnh nhân sau khi nhập viện và điều trị ổn định về mặt nội khoa, ngoại khoa, chúng tôi đã có những bài tập cho bệnh nhân ngay từ khi còn nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh và Khoa ngoại thần kinh nhằm phòng ngừa và hạn chế co cứng và di chứng, đặc biệt là tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi sau này. Tiếp theo, bệnh nhân sẽ được tư vấn chuyển đến Khoa VLTL-PHCN để thực hiện các bài tập can thiệp phù hợp, mỗi bệnh nhân sẽ có những giáo án riêng và không ai giống ai. Đặc biệt việc phối hợp nhiều phương pháp và điều trị toàn diện trong tập luyện rất quan trọng, như kết hợp vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, phối hợp với ngôn ngữ trị liệu trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt, tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp với các chuyên gia chỉnh hình thiết kế các nẹp hỗ trợ bệnh nhân vận động…
“Cần can thiệp đa mô thức để PHCN cho người bệnh được hiệu quả nhất. Hiện khoa chúng tôi có đầy đủ các trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để hỗ trợ cho quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh”, - ThS Giao cho biết.
Trong khoảng từ tháng 1-2024 đến 5-2024 Khoa VLLT-PHCN, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã phối hợp điều trị PHCN cho khoảng 657 bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, trong đó bệnh nhân đến tại Khoa VLLT-PHCN điều trị ngoại trú là 126 bệnh nhân, 531 bệnh nhân được điều trị VLLT-PHCN sớm tại giường. |
Hoàn Lê