Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có xu hướng gia tăng. Trong đó, ngoài những bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin phòng bệnh, còn ghi nhận các bệnh đã có vắc xin. 

Nhiều loại bệnh có vắc xin quay trở lại 

Tháng 5-2024, toàn tỉnh ghi nhận 4 ca ho gà (trẻ từ 2-3 tháng tuổi), đây là những ca bệnh sau 4 năm mới ghi nhận tại Đồng Nai. Sau khi phát bệnh, các bé đều điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh).     

Ngay sau khi ghi nhận thông tin về các ca bệnh trên hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai đã phối hợp với Trung tâm y tế (TTYT) các địa phương nhanh chóng điều tra dịch tễ, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Trong số 4 ca mắc bệnh ho gà được ghi nhận, có 1 ca đã tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1. Những ca bệnh này đều không rõ nguồn lây. 

Hay như từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 17 ổ dại trên chó, nhưng người dân vẫn chưa chủ động phòng chống như tiêm vắc xin cho chó mèo; hay khi bị chó mèo cào, cắn chưa chủ động đi tiêm vắc xin phòng dại. 

Đáng chú ý, từ năm 2010, uốn ván sơ sinh đã được loại trừ nhưng năm nay đã quay trở lại, ghi nhận 4 ca mắc, trong đó có 1 ca uốn ván sơ sinh tử vong. Nguyên nhân là do suốt thời gian dịch COVID-19 và hậu COVID-19, một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng khan hiếm nên không bao phủ được hết.

Rất nhiều lăng quăng (bọ gậy) được phát hiện trong những vật dụng chứa nước tại nhà dân ở thị trấn Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu).

Theo BS.CKI Phan Văn Phúc – Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thời gian qua đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ; nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. 

Đơn cử như vắc xin sởi, theo báo cáo của CDC Đồng Nai, tỉ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi sởi những năm trở lại đây đều không đạt 95% so với chỉ tiêu toàn tỉnh đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi năm 2019: 38.930/44.167 (đạt 88,1%), năm 2020: 40.240/42.467 (đạt 94,8%), năm 2021: 29.739/41.972 (70,9%).     

“Mặc dù ở Đồng Nai chưa ghi nhận ca mắc sởi, nhưng tại khu vực phía Nam đã có một số tỉnh có ca mắc rải rác. Để phòng tránh bệnh sởi và những bệnh có vắc xin phòng bệnh cần đưa con đi tiêm phòng tại các trạm y tế. Riêng hai liều vắc xin phòng sởi đã mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi đến 97%. Trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế. Và mũi tiêm đủ ở độ tuổi từ 9 – 15 tuổi cũng đóng vai trò quan trọng cho các em. CDC Đồng Nai cũng liên tục nhắc nhở các địa phương triển khai các hoạt động tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng bị gián đoạn được tiêm đủ các loại vắc xin”,- BS Phúc cho hay. 

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành còn diễn biến phức tạp

Hiện nay, các dịch bệnh lưu hành như tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) diễn biến tương đối phức tạp. Số ca mắc TCM cộng dồn đến ngày 6-6 là 2.206 ca, tăng 99,46% so với cùng kỳ 2023. Số ổ dịch (OD) từ đầu năm đến nay được phát hiện là 91 ổ, tăng 93,62% so với cùng kỳ (47 OD). Tỷ lệ OD xử lý trong toàn tỉnh đạt 100%. Các địa phương ghi nhận ca mắc nhiều như TP.Biên Hòa, H.Long Thành. 

Đối với SXH, số ca cộng dồn ghi nhận đến 6-6 là 1.055 ca, giảm 34,39% so với cùng kỳ năm 2023 (1.608 ca), trong đó có 1 ca tử vong, giảm 3 ca so với cùng kỳ (4 ca). 

Mặc dù TCM ghi nhận số ca mắc cao nhưng chưa có ca bệnh nặng, qua hệ thống giám sát chưa ghi nhận chủng EV71, hay SXH vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn. Qua công tác giám sát thực tế, xung quanh nhà của người dân vẫn còn rất nhiều vật chứa nước có lăng quăng nên nguy cơ bùng dịch vẫn có thể xảy ra.    

Trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B, viêm phổi do vi khuẩn Hib tại Trạm y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa). 

Thời gian qua, ngành y tế cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh. Trong đó, chú trọng các nhóm đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vận động người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng, lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Người dân cần nâng cao ý thức trong phòng bệnh, như: đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng... Đồng thời, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở... 

Từ năm 2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch “Ngày cuối tuần phòng chống SXH”, tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) định kỳ vào lúc 7-9 giờ sáng ngày thứ 7 hàng tuần trên toàn tỉnh, bắt đầu từ 15- 6 đến hết tháng 10-2024. Qua các năm, đã ghi nhận rõ rệt số ca mắc SXH, số ổ dịch được phát hiện giảm.

Tại Hội nghị phòng chống dịch ở khu vực phía Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các địa phương khu vực phía Nam tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đánh giá, rà soát khả năng phòng, chống dịch, đặc biệt là thuốc điều trị; đồng thời lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm; Trong đó chú ý đến việc phân luồng, cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như bệnh sởi, ho gà. Đối với những bệnh dịch không có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các Sở Y tế cần chủ động tham mưu UBND tỉnh mua vắc xin, thuốc điều trị, huyết thanh…để chủ động ứng phó với tình hình tại địa phương, không để tình trạng khi có dịch bệnh thì đẩy về các bệnh viện tuyến cuối. 

Mai Liên 

Share with friends

Bài liên quan

[Video] Cúm gia cầm (Cúm A/H5N1) nguy hiểm như thế nào?
Cúm A/H5N1 nguy hiểm như thế nào?
Lợi ích tiêm vắc xin sởi cho trẻ
Khuyến cáo 6 biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1)
[Video] Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024
[Video] Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bệnh dại
Phòng chống dịch bệnh đầu năm học mới
Các biện pháp phòng bệnh Whitmore
Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại
[Infographic] Bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh
Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh ho gà
Lo ngại bùng phát dịch sởi
[Infographic] Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Giải đáp các thắc mắc về tiêm phòng sởi
[Video] Bệnh sởi và những điều cha mẹ nên biết để bảo vệ sức khỏe cho con
Lo ngại các bệnh truyền nhiễm quay trở lại do thiếu vắc xin
Dấu hiệu phát hiện sớm và cách phòng bệnh tay chân miệng
[Video] Cảnh báo bệnh sởi gia tăng và cách phòng tránh
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN