Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết cào của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo). Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Những cái chết thương tâm
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời ghi nhận 32 ổ dịch dại trên chó tại 06/11 huyện/TP và 21/170 xã/phường, tăng 20 ổ so với cùng kỳ 2023 (12 ổ dịch).
Các ca tử vong do bệnh dại đa số đến từ sự chủ quan của người dân, sau khi bị động vật nghi dại cào, cắn đã không tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại kịp thời. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.S. (69 tuổi, ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, H. Định Quán) tử vong do bệnh dại vào đầu tháng 7.
Trước đó, khoảng đầu tháng 5-2024, vợ chồng bà S. và ông P.V.T. (71 tuổi) mua một con chó đem về nuôi nhốt trong cũi. Trong quá trình chăm sóc, hai vợ chồng bà S. bị con chó này cắn vào bàn tay. Khoảng 3 ngày sau, con chó chết và được chế biến thành món ăn sử dụng trong gia đình. Do chủ quan, hai vợ chồng bà S. đều không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cũng như huyết thanh kháng dại mà tự xử lý vết thương tại nhà. Đến ngày 27-6, bà S. có biểu hiện sốt, người mệt mỏi, chán ăn, bần thần và dễ kích động. 2 ngày sau, tình trạng bệnh nặng hơn, bà S. được chuyển tuyến lên Bệnh viện ĐK Đồng Nai điều trị. Bệnh nhân uống được ít nước, sợ gió. Đến chiều tối 29-6, bệnh nhân có dấu hiệu nặng, sùi bọt mép, ngưng tim, ngưng thở được cấp cứu duy trì dấu hiệu sinh tồn và tử vong sau đó vài ngày. Kết quả xét nghiệm mẫu nước bọt của bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh dương tính với vi rút dại.
Một trường hợp khác tại huyện Xuân Lộc, bệnh nhân N.T.N.B (44 tuổi, ngụ ấp 4, xã Xuân Hưng) bị chó cắn nhẹ ở tay vào ngày 25-5 trong khi cho chó ốm uống thuốc. Cũng trong ngày, con chó cắn tay ông N.V.T là chồng bà N.T.N.B.
Do chủ quan vết thương nhẹ nên 2 vợ chồng chỉ đi khám và xử lý vết thương ở phòng khám tư, dù được tư vấn nhưng 2 vợ chồng không tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Ngày 29-8, bà N.T.N.B lên cơn sốt, đến phòng khám tư nhân truyền dịch nhưng không đỡ, tối cùng ngày có triệu chứng sợ nước, sợ gió, đau đầu mệt mỏi, nên đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc khám, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và được chẩn đoán dương tính với vi rút dại. Đến ngày 30-8, bà N.T.N.B tử vong.
Mới đây, tại huyện Tân Phú cũng xảy ra trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là ông D.T.Đ (50 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú). Theo kết quả điều tra dịch tễ, gia đình ông Đ. có nuôi 2 con chó và 1 con mèo (mèo hoang tự đến nhà ở). Đầu tháng 11-2023, trong lúc 2 con chó và mèo đang đùa giỡn, cắn nhau, ông Đ. đưa tay ra ngăn và bị con mèo cắn vào ngón tay, gây chảy máu. Nhưng ông Đ. chỉ rửa vết thương bằng nước và không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, tới giữa tháng 10-2024 ông Đ. đã phát dại và tử vong.
Bên cạnh sự chủ quan của người dân khi bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại hoặc tiêm muộn, không đúng chỉ định, thì tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân gián tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người.
Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại
Người dân cần tiêm vắc xin phòng dại ngay khi bị chó mèo cào, cắn.
Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại. Cụ thể:
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Sau đó, kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai