Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng hơn 4 lần trong 15 năm qua, từ 1,59 tỷ lít (năm 2009) lên 6,67 tỷ lít (năm 2023), trong đó mức tăng rất nhanh trong giai đoạn 2009-2014 (20%/năm). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18,5 lít/người vào năm 2009 lên 66,5 lít/người vào năm 2023 (tăng ở mức 350%). Theo ước tính, mức tiêu thụ đường sẽ tăng trung bình 6,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2028, tổng giai đoạn tăng 36,6%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thanh, thiếu nhi dễ dàng tiếp cận, sử dụng đồ uống có đường ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào và chỉ có một số ít gia đình kiểm soát việc sử dụng đồ uống có đường. Sự hấp dẫn của đồ uống có đường đã đánh trúng vào sở thích, thị hiếu của đa số thanh, thiếu nhi và nhanh chóng tạo ra sự thiếu kiểm soát khi sử dụng, dẫn tới những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thế hệ trẻ.

Ảnh minh họa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Hóa sinh và chuyển hoá dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết, uống nước ngọt mỗi ngày dù chỉ một lon có thể khiến bạn nạp vào cơ thể 30–40g đường tự do – vượt mức khuyến nghị hằng ngày của WHO. Về tác hại trước mắt, việc tiêu thụ nước ngọt có thể kích thích cảm giác thèm ăn, giảm ngưỡng no, tăng tiêu thụ những thực phẩm kém lành mạnh khác, đồng nghĩa với làm giảm cơ hội tiêu thụ những thực phẩm khác lành mạnh hơn và có thể dẫn đến thay đổi hành vi ăn uống của giới trẻ theo hướng kém tích cực. Về lâu dài, điều này làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường tuýp 2, sâu răng, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.
Đáng lo ngại hơn, kết hợp với việc tiêu thụ nước ngọt thường xuyên, nhiều bạn trẻ đang có lối sống tĩnh tại, ít vận động gây ra những tác động càng nặng nề hơn đối với sức khoẻ.
Theo WHO, thanh thiếu niên nên hạn chế tối đa tiêu thụ đường và nếu có dùng thì không nên tiêu thụ quá 25 gam đường tự do mỗi ngày (tương đương 6 thìa cà phê). Con số này bao gồm các loại đường tự do (đường đơn, đường đôi) đến từ chế độ ăn như đường có sẵn trong mật ong, siro, nước ép trái cây và nước trái cây cô đặc…, các thực phẩm, đồ uống có chứa đường bổ sung thêm vào trong quá trình sản xuất và đường được thêm vào trong chế biến các món ăn hằng ngày. Việc hạn chế tiêu thụ đường giúp kiểm soát cân nặng, phòng bệnh không lây nhiễm và hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần khỏe mạnh.
TTXVN