Theo Bộ Y tế, cứ tiêu thụ thêm 100ml nước ngọt mỗi ngày, chỉ số khối cơ thể (BMI) sẽ tăng lên rõ rệt, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 1,2 lần ở trẻ nhỏ từ 6 tuổi.
Hiện nay, thói quen “ăn ngọt, uống ngọt” trở thành điều bình thường trong sinh hoạt của nhiều gia đình. Tuy nhiên, đường, đặc biệt là đường tự do trong đồ uống không cung cấp dinh dưỡng cần thiết, nhưng lại có khả năng gây nghiện và “bẻ cong” cảm giác đói no của não bộ. Khi đường dạng lỏng đi vào cơ thể, nó không tạo cảm giác no, khiến người dùng tiếp tục ăn nhiều hơn, hấp thụ năng lượng quá mức gây tích tụ mỡ mới, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và rối loạn lipid máu, những bước đệm cho hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người không nên tiêu thụ quá 50g đường mỗi ngày và tốt nhất là dưới 25g. Nhưng hiện nay, chỉ cần một lon nước ngọt phổ biến trên thị trường đã chứa tới gần 40g đường gần chạm ngưỡng khuyến cáo cho cả ngày.
Do đó, người dân nên hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe.

Hồ Hồng