Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 30% và tỷ lệ để lại di chứng từ 30-50% ca VNNB.
Các di chứng thường gặp ở bệnh VNNB
Dấu hiệu mắc bệnh VNNB thường gặp bao gồm những triệu chứng như sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% trong số những người có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Viêm não Nhật bản gây nhiều biến chứng nặng nề có thể dẫn đến tử vong. Bao gồm các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp… Ngoài ra, bệnh VNNB ở trẻ để lại di chứng rất nặng nề, gánh nặng cho gia đình và xã hội như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường,... Các di chứng này có thể xảy ra ở 30-50% ca bệnh VNNB.
Việc nhập viện sớm hay muộn cũng đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong và tỷ lệ di chứng khi mắc VNNB. Chính vì thế, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bị VNNB, bệnh nhân phải được nhập viện càng sớm càng tốt.
Bệnh VNNB thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy vậy, bệnh VNNB chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước đây và có thể bị nhiễm vi rút khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh VNNB.
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người là các loài động vật nhiễm vi rút, trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát. Đối với các vật nuôi gần người như lợn dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút VNNB.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh
Tính từ đầu năm tới ngày 15-8, Đồng Nai ghi nhận 07 ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản: Biên Hòa 01, Long Thành 01, Trảng Bom 01, Vĩnh Cửu 03, Nhơn Trạch 01, tăng 06 ca so với cùng kỳ 2023 (01 ca). Các ca bệnh này đều ghi nhận triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là sốt, đau đầu. Một số ca bệnh như bé trai 4 tuổi tại xã Phước Thái, huyện Long Thành còn ghi nhận triệu chứng lơ mơ, thay đổi tinh thần, nôn. Đáng chú ý, khi khai thác tiền sử tiêm chủng các ca bệnh ghi nhận chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi hoặc không nhớ đã tiêm vắc xin phòng VNNB hay chưa.
Người dân cần chung tay thực hiện và phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.
Qua đó cho thấy tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng VNNB. Vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.
Vắc xin VNNB đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tiêm miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi từ năm 1997, ban đầu ở một số tỉnh, thành phố nguy cơ cao và hàng năm mở rộng dần ra các địa phương khác. Đến nay, vắc xin VNNB đã được triển khai tiêm chủng miễn phí trong chương trình TCMR cho các đối tượng là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Lịch tiêm chủng vắc xin VNNB cho trẻ em trong chương trình TCMR với 3 mũi cơ bản như sau: Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Người dân cần chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cần tới các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh VNNB người dân nên xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu. Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt; thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi (thoa kem xua muỗi, hương muỗi, vợt điện muỗi,...).
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai