Trong tháng 8 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận một ca bệnh nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore), đó là bé gái T.T.D.M., 14 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, hiện chưa rõ nguồn lây của ca bệnh này.
Đây là ca bệnh Whitmore đầu tiên tại Đồng Nai được ghi nhận trong năm nay. Theo người nhà gia đình bệnh nhân, trước khi bị bệnh, bệnh nhân chỉ ở nhà, không đi khỏi địa phương trong thời gian gần đây, hàng ngày bệnh nhân đi học ở gần nhà. Những người thân trong gia đình và bạn học trong lớp của bệnh nhân và những người xung quanh chưa ai có triệu chứng gì.
Sau khi ghi nhận ca bệnh, cơ quan chức năng đã tiến hành phun khử khuẩn trong nhà, xung quanh nhà bệnh nhân; lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để theo dõi sức khỏe.
Đặc điểm của bệnh Whitmore
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại TP.Hồ Chí Minh sau đó xuất hiện rải rác qua các năm ở một số địa phương.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật. Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này sinh sôi, phát triển và gây bệnh Whitmore.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Bệnh Whitmore có thể gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ, gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước như nông dân, công nhân xây dựng, quân nhân… Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh Whitmore có thời gian ủ bệnh từ 1 - 21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng bao gồm sốt (với các kiểu như sốt cao, sốt từng cơn hoặc sốt kèm theo rét run), loét da, áp xe dưới da, áp xe cơ, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách,... Ở trẻ em, thường gặp các tổn thương da hoặc viêm mủ, áp xe tuyến mang tai. Bệnh có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ lên đến 40%, nhất là các trường hợp viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
Các biện pháp phòng bệnh Whitmore
Hiện nay, thời tiết tại Đồng Nai đang vào giữa mùa mưa, mưa liên lục nhiều ngày là yếu tố nguy cơ làm cho môi trường tại các vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, phát triển, trong đó có vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Đây tuy là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ cao.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) khi tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như sau:
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.
Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Người có bệnh nền đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai