Với quy mô 48 khoa, phòng và đội ngũ hơn 1.360 cán bộ, nhân viên y tế, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất – Đồng Nai hiện đang vận hành hơn 1.000 giường bệnh. Trong thời gian qua, bệnh viện đã chú trọng đầu tư, mở rộng các dịch vụ và triển khai hàng loạt kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Chính sự tiên phong này đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nặng, nhất là những trường hợp nguy cấp trước đây phải chuyển tuyến.
Việc làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu không chỉ góp phần nâng cao chất lượng điều trị mà còn khẳng định vị thế, thương hiệu của bệnh viện trong khu vực, đồng thời đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành y tế Đồng Nai trên hành trình hội nhập và phát triển.
Bài 1: Tiên phong ứng dụng kỹ thuật cao, mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh
Là bệnh viện hạng I của tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất không ngừng khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống y tế địa phương. Với định hướng phát triển chuyên môn sâu, bệnh viện đã mạnh dạn triển khai nhiều kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh như: can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, lọc máu HDF online, xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2022... Những kỹ thuật này đã góp phần cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch, bệnh lý phức tạp mà trước đây buộc phải chuyển lên tuyến trung ương.
Hơn 40 kỹ thuật mới được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2025
BS.CKII Nguyễn Tường Quang – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đặc biệt chú trọng ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Ngay từ đầu năm 2025, các khoa, phòng đã chủ động đăng ký kế hoạch triển khai kỹ thuật mới. Bệnh viện không chỉ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đào tạo nhân lực mà còn có chính sách khen thưởng nhằm khuyến khích đổi mới chuyên môn. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2025, bệnh viện đã ghi nhận hơn 40 kỹ thuật cao được đưa vào ứng dụng, nhiều kỹ thuật trong số đó trước đây chỉ có thể thực hiện tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Điển hình như tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – bỏng, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai theo hướng hiện đại, ưu tiên ít xâm lấn. Nếu như trước đây, các trường hợp gãy đầu dưới xương cẳng chân, xương mâm chày hay xương quay thường được điều trị bằng phương pháp mổ hở, với vết mổ lớn, nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian hồi phục lâu. Thì hiện nay, khoa đã triển khai được kỹ thuật phẫu thuật kết hợp xương xâm lấn tối thiếu dưới sự hỗ trợ của thiết bị C-Arm hiện đại. Phương pháp này cho phép bác sĩ tiếp cận ổ gãy thông qua những đường rạch da nhỏ, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để nắn chỉnh xương và cố định bằng nẹp, vít hoặc đinh nội tủy, thay vì mở rộng ổ gãy như trước đây. Kỹ thuật giúp bảo tồn tối đa mô mềm, giảm đau sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện và mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.

Một ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật tạo hình vạt da che phủ từ dùng vạt da có cuống cho đến vạt da tự do bằng vi phẫu cũng được thực hiện thành công. Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi khâu nối mạch máu dưới kính hiển vi, áp dụng trong các ca tổn thương phần mềm nặng, lộ xương, mất da rộng. Đáng chú ý, bệnh viện còn triển khai phẫu thuật chuyển thần kinh điều trị liệt đám rối thần kinh cánh tay, đây là kỹ thuật chuyên sâu mà không phải đơn vị tuyến tỉnh nào cũng có thể thực hiện.
Ở lĩnh vực ngoại niệu, kỹ thuật tán sỏi thận qua da bằng laser kết hợp C-arm đã được triển khai hiệu quả. Trong khi đó, Khoa Răng Hàm Mặt từng bước phát triển các kỹ thuật như phẫu thuật gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng nẹp vít hợp kim, phẫu thuật lấy sỏi ống Wharton tuyến dưới hàm và cắt u tuyến nước bọt mang tai, với sự hỗ trợ ban đầu từ các chuyên gia Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM. Ở Khoa Vi sinh cũng đã thực hiện được đo tải lượng virus HIV bằng kỹ thuật Realtime PCR. Ở lĩnh vực can thiệp tim mạch triển khai được các kỹ thuật mới như: can thiệp mạch não; thăm dò điện sinh lý trong buồng tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số Radio; triệt đốt rối loạn nhịp tim bằng bản đồ điện học 3D…
“Để triển khai được các kỹ thuật mới, các khoa phòng đều được định hướng xây dựng năng lực theo hướng chủ động và bài bản: đề xuất kỹ thuật, đánh giá nhân lực – thiết bị – cơ sở vật chất, đào tạo bài bản theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ví dụ, để triển khai can thiệp mạch não, bác sĩ phải được đào tạo ít nhất 3 tháng tại đơn vị có đủ trình độ, tiêu chuẩn pháp lý đào tạo kỹ thuật đó. Sau khi đào tạo xong, những ca đầu tiên sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia, sau đó êkip bác sĩ bệnh viện sẽ tự thực hiện” – BS Nguyễn Tường Quang cho hay.
Đạt chuẩn quốc tế ISO 15189:2022 – nâng tầm xét nghiệm y học
Ngày 22-5-2024, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vinh dự là bệnh viện công đầu tiên tại Đồng Nai được trao chứng chỉ ISO 15189:2022 tại ba khoa: Huyết học truyền máu, Hóa sinh và Vi sinh.
BS.CKII Nguyễn Tường Quang cho biết, ISO 15189 là bộ tiêu chuẩn quốc tế dành riêng cho phòng xét nghiệm y tế, đánh giá toàn diện từ năng lực chuyên môn, hệ thống quản lý chất lượng, đến điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và trình độ nhân sự. Việc đạt chứng chỉ này đồng nghĩa với việc kết quả xét nghiệm tại bệnh viện được công nhận trong nước và quốc tế.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khám ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng 2500- 3000 lượt người, trong đó thực hiện hơn 1.000 xét nghiệm cận lâm sàng – con số phản ánh rõ quy mô hoạt động cũng như vai trò then chốt của hệ thống xét nghiệm trong toàn bộ quá trình khám và điều trị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đạt chứng nhận ISO 15189:2022 vào thời điểm năm 2024.
Vì vậy, việc đạt chứng chỉ ISO 15189:2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là minh chứng cho năng lực chuyên môn và hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Mỗi kết quả trả ra đều có độ chính xác, độ đặc hiệu và độ tin cậy cao, giúp bác sĩ tự tin hơn trong chẩn đoán, đặc biệt với các ca bệnh phức tạp như ung thư, rối loạn nội tiết, bệnh lý di truyền hay bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
“Khi bác sĩ lâm sàng có trong tay một kết quả xét nghiệm đạt chuẩn ISO, đó gần như là một ‘chứng cứ y học’ đáng tin cậy. Từ đó, họ có thể đưa ra phác đồ điều trị đúng ngay từ đầu, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro cho người bệnh”, - BS Nguyễn Tường Quang nhấn mạnh.
Quy mô máy chạy thận lớn nhất cả nước
Năm 2002, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thành lập đơn vị thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu với hai máy lọc máu cũ. Trước nhu cầu điều trị ngày càng tăng và yêu cầu khắt khe về chuyên môn, đến năm 2009, đơn vị được nâng cấp thành Khoa Thận nhân tạo, hoạt động độc lập với sự đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị và nhân lực. Đến nay Khoa Thận nhân tạo đã trở thành một trong những chuyên khoa chức năng chủ chốt của bệnh viện.
BS.CKII Nguyễn Thanh Hồng – Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, hiện nay bệnh viện là đơn vị có số lượng máy chạy thận lớn nhất cả nước với 104 máy, và có khoảng từ 510- 530 bệnh nhân suy thận mạn đang lọc máu chu kỳ tại bệnh viện.
“Việc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo ngay từ sớm đã giúp nhiều người bệnh không còn phải di chuyển xa lên tuyến trên, giảm chi phí và nguy cơ trong quá trình đi lại. Quan trọng hơn là họ được điều trị ổn định, kéo dài sự sống và sống khỏe mạnh hơn. Có bệnh nhân đã đồng hành cùng chúng tôi suốt 23 năm, từ những ngày đầu thành lập khoa đến nay”- BS Hồng cho hay.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Khoa Thận nhân tạo được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn tối đa cho bệnh nhân trong suốt quá trình lọc máu.
“Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trong chạy thận nhân tạo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Việc lọc máu đúng tiêu chuẩn và an toàn là yếu tố then chốt giúp duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân” – BS Hồng nhấn mạnh.
Ngoài việc trang bị hệ thống máy móc hiện đại, với đội ngũ giàu kinh nghiệm, khoa đã triển khai được 5 kỹ thuật cao trong lĩnh vực lọc máu, phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân, bao gồm: Lọc máu chu kỳ; Lọc máu HDF online; Đặt catheter đường hầm; Kỹ thuật Buttonhole; Lọc máu hấp phụ.
Cũng theo BS Hồng, hiện nay Khoa không chỉ làm chủ được các kỹ thuật trong chạy thận, mà còn được cấp mã đào tạo về thận nhân tạo. Do đó bệnh viện cũng đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của kỹ thuật cao, BS.CKII Nguyễn Tường Quang cho hay: “Nếu không triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu, bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trong khi đó, khi chủ động làm chủ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, không chỉ giúp cấp cứu, điều trị kịp thời, mà còn góp phần nâng tầm bệnh viện, tạo dựng uy tín với người dân tỉnh nhà. Đây cũng là cách thiết thực để Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế Đồng Nai, từng bước xây dựng thương hiệu bệnh viện. Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục mở rộng các kỹ thuật cao trong tất cả lĩnh vực, hướng đến phát triển chuyên sâu hơn nữa”.
Thanh Tú – Gia Nhi