[Loạt bài: Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Gieo kỹ thuật cao, gặt “quả ngọt”]
Khoa Tim mạch Can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đi vào hoạt động từ năm 2015, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý tim mạch tại địa phương. Với định hướng đầu tư bài bản về nhân lực, thiết bị hiện đại và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, đến nay khoa đã khẳng định vai trò then chốt trong cấp cứu và điều trị tim mạch, đặc biệt là trong những tình huống nguy cấp như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, chấn thương tạng nghiêm trọng…
Nhiều kỹ thuật hiện đại được triển khai hiệu quả
BS.CKII Trần Minh Thành – Trưởng Khoa Tim mạch Can thiệp cho biết, trước đây, phần lớn bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch cần phải can thiệp tại Đồng Nai phải chuyển tuyến lên TP.HCM để điều trị. Đặc biệt với những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp,việc phải chuyển viện trong tình trạng nguy kịch đã khiến người bệnhqua mất “thời gian vàng” để cứu vùng cơ tim, thậm chí có những trường hợp không thể qua khỏi.
Từ thực tế đó, lãnh đạo bệnh viện quyết định thành lập Khoa Tim mạch Can thiệp và đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ như: phòng thông tim đạt chuẩn phòng mổ HYBRID với máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), máy siêu âm trong lòng mạch vành, máy bóng đối xung động mạch chủ…
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực, ngoài việc đào tạo tại bệnh viện, được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao các kỹ thuật. Khoa còncử các bác sĩ đi học chuyên sâu tại các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất Tp HCM... Nhờ đó, đội ngũ bác sĩ của khoa ngày càng vững vàng, làm chủ kỹ thuật mới và xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp.
Hiện nay, khoa đã làm chủ hàng loạt kỹ thuật tim mạch can thiệp chuyên sâu như: chụp và can thiệp động mạch vành, nong van tim bằng bóng, can thiệp bệnh tim bẩm sinh, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, đặt stent mạch máu ngoại biên, triệt đốt loạn nhịp bằng sóng tần số radio, can thiệp mạch não lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ cấp, can thiệp nội mạch trong điều trị chảy máu tạng (nút mạch cầm máu trong các ca chấn thương gan, lách, thận)...
Điển hình như kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị chảy máu tạng được khoa triển khai vào năm 2023 đã mang lại hiệu quả rõ. Nhiều trường hợp tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đả kích bị vỡ gan, lách, thận đã được cứu sống thành công.

Ê kíp thực hiện chụp và can thiệp tổn thương động mạch vành phức tạp cho một trường hợp với hệ thống DSA Siemens Artis Zee có siêu âm trong lòng mạch vành Volcano hỗ trợ.
BS.CKII Trần Minh Thành cho biết, trước đây, khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách…do tai nạn, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu và có thể kéo theo một loạt các biến cố nghiêm trọng như: rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và các biến cố nặng nề khác. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương.
Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương gan – thận,lách..giúp bệnh nhân không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách…, tránh biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…đặc biệt đối với bệnh nhân cao tuổi, nếu thực hiện phẫu thuật cầm máu hoặc phẫu thuật cắt bỏ tạng bị chảy máu thì nguy cơ xảy ra tai biến cao, tình trạng chảy máu của bệnh nhân có thể nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp hội chẩn cho một ca bệnh khó để lên phương án điều trị.
Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, rút ngắn thời gian nằm viện, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới.
“Chúng tôi đã ứng dụng kỹ thuật này để xử lý thành công các ca tai nạn nghiêm trọng, điển hình như trong vụ tai nạn nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu vào năm ngoái, có nhiều bệnh nhân vỡ gan, thận, tràn máu màng phổi, đã được cứu sống. Kỹ thuật nút mạch cầm máu tạng vừa an toàn và tránh cho bệnh nhân một cuộc mổ hở lớn với nhiều nguy cơ và biến chứng sau mổ””, - bác sĩ Thành nói thêm.
Gần đây, khoa còn thực hiện thành công các kỹ thuật cao cấp như: thăm dò điện sinh lý trong buồng tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng tần số Radio; triệt đốt rối loạn nhịp tim bằng bản đồ điện học 3D – vốn là những kỹ thuật trước đây chỉ có tại các trung tâm tim mạch lớn.
Giảm gánh nặng chuyển viện, tăng tỷ lệ cứu sống người bệnh
Nhờ triển khai thành công các kỹ thuật can thiệp tim mạch tại bệnh viện mà tỷ lệ bệnh nhân tim mạch chuyển lên tuyến trên đã giảm mạnh. Nếu như năm 2014, tỷ lệ này là 38,5%, thì chỉ một năm sau khi thành lập khoa (2015) đã giảm xuống còn 2,72%, và hiện nay con số này giảm còn chưa đến 0,5%. “Đó là bước tiến rất lớn. Giờ đây, người dân Đồng Nai được điều trị bệnh tim mạch kịp thời, hiệu quả ngay tại địa phương, giảm nguy cơ tử vong và di chứng nặng nề”, - bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Sau 10 năm triển khai can thiệp tim mạch, khoa đã thực hiện gần 9000 lượt thủ thuật về tim mạch, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân.
Điển hình ông Vũ Tấn T. (88 tuổi, ngụ xã Trà cổ, H.Trảng Bom - nay là xã Tân Phú), sau 10 ngày được can thiệp cấp cứu do bệnh nhồi máu cơ tim, đến nay sức khỏe của ông đã hồi phục gần như hoàn toàn, không còn cơn đau thắt ngực, khó thở.

Ông Vũ Tấn T., hồi phục sức khỏe, tự ăn uống được sau khi được can thiệp đặt stent điều trị bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
Con gái ông T., xúc động chia sẻ: “Hôm đó, cha tôi bất ngờ than nhức đầu, chóng mặt, tức ngực, khó thở và nôn ói nhiều. Gia đình lập tức đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim do tắc hẹp các nhánh mạch vành và yêu cầu phải can thiệp ngay lập tức. Sau ca can thiệp khẩn cấp, cha tôi đã được đặt 3 stent để tái thông dòng máu. Nhờ sự tận tâm của đội ngũ y bác sĩ, cha tôi đã vượt qua cơn nguy kịch. Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn”.
Một trường hợp khác là ông Lương Minh T., (66 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc – nay là xã Xuân Lộc) cũng nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, khó khở, mệt mỏi. Sau 4 ngày được can thiệp đặt 1 sent, sức khỏe của ông đang dần bình phục.
“Lúc vào viện, bác sĩ khám và thông báo bố tôi bị nhồi máu cơ tim cấp, cần can thiệp đặt stent. Đến nay, sức khỏe bố tôi đã tiến triển tốt, bác sĩ bảo nằm theo dõi thêm ít ngày sẽ được ra viện” – anh Lương Minh Quý, con trai ông T., cho hay.
BS Thành nhấn mạnh: “Hiệu quả điều trị can thiệp tim mạch không chỉ thể hiện ở số lượng bệnh nhân được cứu sống, mà còn ở chất lượng cuộc sống sau điều trị. Nếu can thiệp kịp thời, chúng tôi có thể cứu được vùng cơ tim, giúp chức năng co bóp tim duy trì tốt hơn. Nhờ đó, người bệnh phục hồi nhanh, sống khỏe và sớm trở lại với công việc, sinh hoạt thường ngày”.
Hướng đến kỹ thuật chuyên sâu hơn
Không dừng lại ở những thành tựu đã đạt được, Khoa Tim mạch Can thiệp đang hướng đến triển khai các kỹ thuật chuyên sâu hơn như: thay van động mạch chủ qua da (TAVI); điều trị hở van 2 lá bằng dụng cụ qua da; triệt đốt hạch giao cảm quanh động mạch thận để điều trị tăng huyết áp kháng trị; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị sau nhồi máu cơ tim...
“Để đạt được mục tiêu này, Khoa tiếp tục cử những bác sĩ trẻ có năng lực tốt, tâm huyết theo học chuyên sâu tại các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM và Viện Tim TP.HCM. Đồng thời, luôn cập nhật xu hướng điều trị mới, mở rộng hợp tác chuyên môn, tiếp cận những công nghệ hiện đại nhất”– BS Thành cho hay.
Việc phát triển mạnh mẽ lĩnh vực can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã mang lại cơ hội sống cho hàng ngàn người dân, rút ngắn khoảng cách chuyên môn giữa tuyến tỉnh và trung ương, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Trong bối cảnh bệnh tim mạch ngày càng gia tăng, việc làm chủ các kỹ thuật can thiệp tiên tiến ngay tại địa phương chính là lời khẳng định cho tầm vóc, năng lực và trách nhiệm của bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất nói riêng và ngành y tế Đồng Nai đối với cộng đồng.
Thanh Tú – Gia Nhi