An toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, đặc biệt trong mùa nắng nóng – thời điểm dễ xảy ra ngộ độc nếu thực phẩm không được bảo quản, chế biến đúng cách. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để kiểm soát ATTP tại bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố – những nơi phục vụ hàng trăm ngàn suất ăn mỗi ngày.
Tháng hành động vì ATTP năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".
ThS Võ Thị Ngọc Lắm – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “ATTP không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bởi mỗi bữa ăn không an toàn đều có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc, lây lan bệnh tật và để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe cộng đồng”.

ThS Võ Thị Ngọc Lắm – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.
PV: Thưa bà, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào? Những vi phạm phổ biến là gì và ngành Y tế đã xử lý ra sao?
ThS Võ Thị Ngọc Lắm: Thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo ATTP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, nhằm tăng cường giám sát và quản lý ATTP, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp và bệnh viện – những nơi phục vụ số lượng lớn người ăn mỗi ngày. Nổi bật là Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 10/7/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tăng cường kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm; đồng thời xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm nhằm nâng cao tính răn đe và minh bạch trong công tác quản lý.
Sở Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản chuyên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 11 ngàn cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, qua đó phát hiện 881 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 847 triệu đồng. Riêng trong quý I năm 2025, đã có gần 3 ngàn cơ sở được kiểm tra, xử phạt 79,5 triệu đồng với các lỗi phổ biến như điều kiện vệ sinh không đảm bảo, khu vực chế biến để côn trùng xâm nhập, dụng cụ không đạt yêu cầu, và chưa thực hiện tách biệt thực phẩm sống – chín theo quy định.

Ngành Y tế kiểm tra ATTP tại một bếp ăn tập thể.
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát , ngành Y tế còn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về ATTP. Trong năm 2024, đã công nhận 33 mô hình điểm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp góp phần quan trọng trong việc đảm bảo bữa ăn an toàn cho hơn 110 ngàn lao động.
PV: Thưa bà, thức ăn đường phố là loại hình phổ biến nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vậy, ngành Y tế có những giải pháp gì để vừa đảm bảo ATTP mà vẫn hài hòa sinh kế người bán?
ThS Võ Thị Ngọc Lắm: Đồng Nai hiện có hơn 800 ngàn lao động nhập cư và trên 33 khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm tiện lợi, giá cả hợp lý. Đặc biệt thức ăn đường phố ngày càng gia tăng, đây là loại hình dịch vụ ăn uống phổ biến, phù hợp với điều kiện kinh tế của người lao động và thị hiếu tiêu dùng tại các đô thị.
Với quan điểm vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngành Y tế Đồng Nai xác định việc quản lý thức ăn đường phố cần được thực hiện theo hướng hỗ trợ, đồng hành và nâng chuẩn từng bước. Các cơ sở kinh doanh được tạo điều kiện phát triển nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP.
Thời gian qua, công tác quản lý loại hình này đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Ngành Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho người kinh doanh thức ăn đường phố; phối hợp kiểm tra liên ngành, đồng thời hướng dẫn chuyên môn cho tuyến xã, phường trong công tác giám sát. Nhờ đó, ý thức chấp hành của cả người bán lẫn người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt, số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, do đặc thù quy mô nhỏ lẻ, cơ động, nhiều điểm bán thức ăn đường phố vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào còn khó kiểm soát. Đối với những trường hợp vi phạm, ngành Y tế chủ trương xử lý linh hoạt, nhân văn – không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính mà còn chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng.
Ngành Y tế cũng đã hướng dẫn phân loại, đánh giá mức độ rủi ro để áp dụng phương pháp quản lý phù hợp; tiếp tục nhân rộng mô hình điểm về thức ăn đường phố an toàn; đồng thời khuyến khích chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác giám sát, quản lý. Mục tiêu không chỉ kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống đường phố, bảo đảm hài hòa giữa kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm và bảo vệ sinh kế cho người dân.
PV: Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, thưa bà?
ThS Võ Thị Ngọc Lắm: Trong thời gian tới, ngành Y tế Đồng Nai xác định cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ATTP tại địa phương. Song song đó, công tác truyền thông, giáo dục cần được đẩy mạnh theo hướng chuyên sâu, trọng tâm – tập trung vào nhóm đối tượng trực tiếp như chủ cơ sở kinh doanh, người chế biến, phục vụ thực phẩm.
Hoạt động tập huấn kiến thức về ATTP sẽ được tổ chức thường xuyên, gắn với tuyên truyền, công khai kịp thời các trường hợp vi phạm, sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng,... Đồng thời, ngành Y tế cũng chú trọng biểu dương, nhân rộng các mô hình, cơ sở thực hiện tốt quy định về ATTP, qua đó tạo động lực, khuyến khích cộng đồng nâng cao ý thức, thực hành đúng trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan như Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường để xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ vùng sản xuất đến bếp ăn, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện – nơi phục vụ số lượng lớn người ăn mỗi ngày.
Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tiếp tục được tăng cường, thực hiện thường xuyên và đột xuất tại các cơ sở có nguy cơ cao, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định. Tiếp tục xây dựng duy trì và kiểm soát các mô hình điểm tại các bếp ăn tập thể.
PV: Xin bà cho biết một số khuyến cáo đối với người tiêu dùng và người kinh doanh khi sử dụng thực phẩm trong mùa nắng nóng?
ThS Võ Thị Ngọc Lắm: Nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài – là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển – ngành Y tế Đồng Nai đưa ra một số khuyến cáo quan trọng đối với các đối tượng liên quan.
Đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể: Cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ quy trình từ chọn lựa nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức ATTP theo quy định.
Nguyên liệu sử dụng trong chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp từ các đơn vị có đủ điều kiện ATTP. Khu vực chế biến cần được vệ sinh thường xuyên, có trang bị đầy đủ phương tiện chống côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Các khâu kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của Bộ Y tế. Bảo đảm “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm” từ việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm an toàn, sơ chế, chế biến, bảo quản, vệ sinh, nguồn nước,... Trong quá trình chế biến, người chế biến thực phẩm cần lưu ý rửa tay đúng cách, bảo hộ lao động đầy đủ; sử dụng dụng cụ riêng biệt cho thực phẩm sống và chín; khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc sau mỗi lần sử dụng…
Thực phẩm đã nấu chín nên được tiêu thụ trong vòng 2 giờ, trừ khi có thiết bị bảo quản lạnh đảm bảo điều kiện nhiệt độ phù hợp.
Đối với người tiêu dùng: Chỉ nên chọn mua thức ăn tại các cơ sở có uy tín, bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, địa điểm kinh doanh sạch sẽ, bố trí xa nguồn ô nhiễm như rác thải, cống thoát nước, bụi đường.
Nơi bày bán sạch sẽ, có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt giữa thực phẩm sống và thức ăn ngay; bảo đảm nguồn nước sạch để vệ sinh trang thiết bị dụng cụ.
Quan sát kỹ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; người bán phải sử dụng đầy đủ trang phục bảo hộ như khẩu trang, găng tay khi chế biến và phục vụ. Không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, ẩm mốc, hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ưu tiên thực phẩm đã được nấu chín, nước uống đun sôi.
Thực phẩm chín nên được tiêu thụ trong vòng 2 giờ nếu không có thiết bị bảo quản lạnh.
Cần đọc kỹ thông tin nhãn mác, hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản trước khi sử dụng đối với thực phẩm bao gói sẵn.
Ngành Y tế cũng kêu gọi người dân phát huy vai trò giám sát cộng đồng, tích cực phát hiện, phản ánh và thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng các hành vi vi phạm quy định về ATTP.
Việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc và khuyến cáo về ATTP không chỉ giúp ngăn ngừa ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Xin cảm ơn ThS Võ Thị Ngọc Lắm!
Bích Ngọc (thực hiện)