Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai); các bệnh viện công lập và tư nhân; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch Tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, CDC Đồng Nai đầu mối theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch. Phối hợp với các cơ sở điều trị có chuyên khoa nhi lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp phân độ từ 2b trở lên và chuyển mẫu Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh giám sát chủng vi rút gây bệnh. Tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh TCM và hướng dẫn các đơn vị truyền thông phòng chống bệnh TCM theo hướng dẫn của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới triển khai các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch TCM trong trường học.

Trường Mầm non vệ sinh dụng cụ học tập, ăn ngủ cho trẻ để phòng, chống bệnh Tay chân miệng.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố kịp thời tham mưu UBND các huyện, thành phố và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch TCM xảy ra trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục để triển khai các biện pháp phòng, chống TCM trong trường học, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch TCM cho các Trạm Y tế; yêu cầu các Trạm Y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ... trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế trên địa bàn; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan…
Đối với Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai; các Bệnh viện ĐKKV: Long Khánh, Long Thành, Định Quán; các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất ca tử vong; thực hiện tốt công tác phòng, chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán bệnh TCM phân độ từ 2b trở lên phải được lấy mẫu giám sát vi rút, ưu tiên lấy mẫu phân, trường hợp không lấy được mẫu phân thì lấy mẫu ngoáy họng. Các mẫu bệnh phẩm gửi về CDC Đồng Nai, kèm theo phiếu điều tra ca bệnh và phiếu xét nghiệm bệnh TCM.
Các ca bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, sau khi thăm khám và có kết quả chẩn đoán, đề nghị các đơn vị thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm qua phần mềm trực tuyến Hệ thống Quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm (tại địa chỉ: http://ecds.vncdc.gov.vn); yêu cầu nhập liệu đầy đủ thông tin ca bệnh, đúng địa chỉ nơi cư trú hiện tại (Số nhà, tên đường, tổ/thôn, ấp/khu phố, xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố, tỉnh/thành phố) và phải có ít nhất 01 số điện thoại liên hệ của bệnh nhân, người thân hoặc người chăm sóc trong vòng 24 giờ.
Sao Mai