Chứng kiến nhiều trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cận kề “cửa tử”, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Lam không khỏi xót xa. Cũng chính vì thế, điều dưỡng Lam luôn hết lòng chăm sóc trẻ, nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề để cùng với đồng nghiệp giành giật lại sự sống cho bệnh nhân của mình.
Nỗ lực nâng cao tay nghề
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Lam được nhận vào làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (HSTCSS) Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Với chị đây như là một cơ duyên, càng làm chị càng thấy yêu nghề, thương trẻ nhiều hơn.
Chị Lam kể lại, lúc đi thực tập chị được thực hành chăm sóc bệnh nhân là người lớn, còn khi nhận việc tại Khoa HSTCSS, trực tiếp chăm sóc các bé rất nhỏ, ban đầu chị vẫn “run tay”, nhưng qua nhiều tháng làm việc được các chị có kinh nghiệm trong khoa chỉ dạy, điều dưỡng Lam ngày càng tự tin hơn với công việc mình làm. Hơn nữa, hàng ngày tiếp xúc với các bé, thấy các bé non nớt, mắc nhiều bệnh, chị Lam càng thêm yêu các bé và tự hứa phải cố gắng làm tốt công việc của mình.
“Lúc mới vào làm việc tôi còn trẻ, chưa vướng bận gia đình nên sau giờ tan làm tôi thường ở lại tới 6-7 giờ tối để học hỏi thêm ở các chị trong khoa về kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc. Ví dụ như các bé sinh non rất khó lấy ven, tôi cũng phải học một thời gian dài mới lấy ven thuần thục được” – điều dưỡng Lam cho hay.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Lam thực hiện vệ sinh, thay tã cho bệnh nhi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh.
Cũng theo chị Lam, ở khoa có nhiều máy móc, có những máy móc mới triển khai, dù được hướng dẫn nhưng nhiều khi vẫn quên, nên chị sẽ tranh thủ học thêm trên mạng. Bên cạnh đó, điều dưỡng Lam cũng tham gia tất cả các lớp học mà bệnh viện tổ chức để nâng cao tay nghề. Hiện chị cũng đã hoàn thành xong chương trình đại học.
“Làm ở Khoa HSTCSS là một môi trường chuyên biệt, các bé chăm sóc cũng chuyên biệt hơn so với các bé lớn, đòi hỏi chúng tôi luôn phải học tập để nâng cao kiến thức, ngoài tham gia các khóa học ở bệnh viện, chúng tôi còn học kiến thức ở các bệnh viện tuyến trên. Nhờ đó, hiện tại ở khoa tất cả các kỹ thuật mới, vận hành máy móc, bản thân tôi đã làm được như: đặt carather tĩnh mạch trung tâm; lắp máy, test máy, vận hành tất cả các dòng máy thở; hỗ trợ bác sĩ đặt tĩnh mạch rốn, đặt nội khí quản; đăt carather tĩnh mạch cảnh…” – điều dưỡng Lam cho biết.
Chăm sóc bệnh nhi như con của mình
Hằng ngày chứng kiến nhiều trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, yếu ớt, điều dưỡng Lam không khỏi xót xa. Đặc biệt, khi đã lập gia đình, có con nhỏ chị càng hiểu và yêu thương bệnh nhi của mình nhiều hơn.
“Sau khi lập gia đình, bản thân tôi đã trải qua cơn “vượt cạn” rất đau đớn nhưng bù lại được ôm con trong tay, tôi rất hạnh phúc. Còn với các bé ở đây, vừa chào đời đã phải rời xa vòng tay mẹ, đến một nơi xa lạ để nằm, còn các bà mẹ phải xa con; chỉ nghĩ đến vậy là tôi đã chảy nước mắt. Bởi vậy tôi luôn dặn bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa, học tập nhiều hơn nữa, yêu nghề hơn để giúp các bé sớm về bên gia đình - đó cũng là điều tôi mong muốn nhất” – điều dưỡng Lam tâm sự.
Kể về câu chuyện làm nghề của mình, điều dưỡng Lam đã có lúc không kìm được nước mắt khi nhớ lại những kỷ niệm vui có, buồn có trong 16 năm đồng hành cùng các đồng nghiệp giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chị Lam kể: “Cách đây khoảng 7 năm, có một bé sinh cực non 28 tuần, mắc bệnh màng trong, suy hô hấp, cân nặng 900g; mẹ của bé mỗi lần vào thăm đều khóc. Chứng kiến như vậy, tôi và các điều dưỡng động viên người mẹ mỗi ngày, nói các cô sẽ cố gắng hết sức để điều trị cho bé. Cuối cùng, em bé đã khỏe mạnh, được ra viện, được mẹ cho ăn, ẵm bồng, nhìn 2 mẹ con được ở bên nhau chúng tôi rất vui”.
Tuy nhiên, chị Lam và các đồng nghiệp cũng rất buồn khi chứng kiến những trường hợp không thể cứu được. Trường hợp khiến chị đau lòng nhất là em bé được sinh ra trong một gia đình hiếm muộn, bố mẹ nhiều tuổi, nhờ phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) nên mới có được con. Do em bé sinh cực non, nặng tầm 700g, mặc dù đã được các y, bác sĩ trong khoa tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. “Người đàn ông họ ít rơi nước mắt lắm, nhưng ngày nào người bố đó vào thăm em bé cũng khóc, khiến chúng tôi cũng khóc theo. Chúng tôi chỉ biết an ủi, động viên người bố, sau khi bé mất, người bố không một lời trách móc Khoa mà cảm ơn vì đã nỗ lực hết mình cứu con họ” – điều dưỡng Lam nhớ lại.
Khoa HSTCSS trung bình mỗi tháng tiếp nhận 90-95 trẻ sơ sinh, trong đó có sơ sinh non tháng, sơ sinh đủ tháng bị các bệnh lý, đa dị tật. Trong số này, có khoảng 40% trẻ sinh non và cực non. Do vậy, việc chăm sóc cho bệnh nhi đều nhờ vào đôi bàn tay của người điều dưỡng. Mỗi sáng đến làm việc, theo sự sắp xếp của Ban chủ nhiệm khoa, chị Lam được phân công 1 phòng bệnh. “Do là khoa đặc thù, bố mẹ các bé không được vào chăm sóc, chúng tôi coi các bé như con của mình, chăm sóc toàn diện cho các bé, trước hết là thực hiện các y lệnh của bác sĩ cho như chích thuốc, pha dịch, truyền dịch; rồi cho các bé ăn, tắm, thay đồ, thay tã, thay ga giường; tiếp nhận các ca bệnh mới…” – điều dưỡng Lam nói.
Để chăm sóc tốt cho các bé, theo chị Lam người điều dưỡng phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ, yêu nghề. Các bé rất non nớt, nên người điều dưỡng càng phải nhẹ nhàng, nâng niu, quan sát các cử chỉ hành động để kịp thời giúp đỡ bé hoặc can thiệp kịp thời nếu chẳng may sức khỏe của bé chuyển biến xấu.
“Khoa HSTCSS là khoa chuyên biệt nên các khoa khác không thể nhận thay bệnh, cho nên dù quá tải Khoa cũng phải nhận bệnh. Do đó có những đêm bệnh đông, chúng tôi chia nhau trực gác, chỉ chợp mắt 1-2 tiếng đồng hồ. Cũng có những đêm ca bệnh vào lúc 1-2 giờ sáng, trong tình trạng tím ngắt, tím đen, ngừng hô hấp tuần hoàn, lúc đó cả kíp trực thức trắng đêm để cấp cứu cho bệnh nhân” – điều dưỡng Lam kể lại.
Đặc thù công việc đi sớm, về trễ, nhiều hôm phải trực xuyên đêm nên đã ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống riêng của các điều dưỡng nơi đây. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, họ - những “người hùng thầm lặng” vẫn không ngừng phấn đấu, nỗ lực hết mình với công việc. Bởi họ luôn đặt một niềm tin bệnh nhi của họ sẽ sớm hồi phục, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Gia Nhi