Để người bệnh mau hồi phục sức khỏe, ngoài việc bác sĩ thực hiện điều trị, thăm khám cho người bệnh…, thì người điều dưỡng đóng vai trò quan trọng, họ luôn âm thầm, tận tâm chăm sóc người bệnh bằng cả trái tim, mà không nề hà khó khăn, vất vả.
Chu toàn trong chăm sóc người bệnh
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc (CC-HSTCCĐ) Trung tâm y tế (TTYT) H.Xuân Lộc là nơi tiếp nhận tất cả các bệnh nhân từ nội, ngoại, sản, nhi… từ nhẹ đến nặng vào cấp cứu ban đầu. Hầu như giờ nào, ngày nào tại đây cũng có bệnh nhân nhập viện, đặc biệt là những dịp lễ tết, nghỉ hè. Mỗi khi có tiếng xe cấp cứu là cả ê kíp cùng chuẩn bị để tiếp nhận, xử lý. Do đó người điều dưỡng cũng tất bật, luôn tay luôn chân. Từ việc cùng với bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân, các điều dưỡng thực hiện vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và trang thiết bị cần thiết: bình oxy, máy đo huyết áp, máy truyền dịch, băng gạc, theo dõi những phản ứng của bệnh nhân nếu có bất thường phải báo ngay với bác sĩ để xử lý…
Điều dưỡng Trần Thị Bích Hạnh có 7 năm làm việc tại khoa cho biết, công việc tại Khoa CC - HSTCCĐ luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó nhanh, tinh thần “thép” khi làm việc, không hoảng sợ trước những trường hợp xấu nhất. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được chuyển về các khoa điều trị, các điều dưỡng quay sang hoàn chỉnh hồ sơ. Nếu có bệnh nhân nặng, họ phải đi theo xe chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Điều dưỡng Trần Thị Bích Hạnh chăm sóc cho bệnh nhân tại Khoa CC-HSTCCĐ TTYT H.Xuân Lộc.
“Cường độ làm việc tại Khoa CC - HSTCCĐ nhiều hơn, vất vả hơn so với những khoa chuyên môn khác. Công việc hay ca trực tại khoa không chủ động được thời gian, bởi bệnh nhân nhập viện cấp cứu bất cứ lúc nào, thậm chí lúc chuẩn bị tan ca trực mà có ca bệnh là cả ê kíp cùng lao vào cấp cứu cho bệnh nhân. Hay những kỳ nghỉ phép dài ngày rất khó được giải quyết đặc biệt vào mùa cao điểm như hè, lễ, tết,… Nhưng đây cũng là môi trường cho bản thân tôi nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học thực tế mà chỗ khác khó có được. Môi trường này mang cho tôi niềm đam mê trong nghề nghiệp và được tôi rèn chuyên môn nhiều hơn”- điều dưỡng Hạnh chia sẻ thêm.
Nơi đây cũng ghi lại những kỉ niệm vui buồn trong hành trình cống hiến của các điều dưỡng. Điều dưỡng Hạnh cho biết, chị và các đồng nghiệp rất vui mỗi khi cứu được người bệnh. Chị ấn tượng nhất là trường hợp bị ngưng hô hấp tuần hoàn, đã được ê kíp của khoa tích cực cấp cứu và chuyển tuyến trên kịp thời. Nhờ đó mà bệnh nhân được cứu sống, khi xuất viện trên đường về nhà, bệnh nhân đã ghé vào khoa cảm ơn. Đây chính là niềm vui, niềm tự hào và là động lực để các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa cố gắng nhiều hơn.
Lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng sản phụ
Còn chị Nguyễn Thị Bích Trâm, Hộ sinh trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản (CSSKSS và PS), TTYT H. Xuân Lộc lại là người bạn đồng hành cùng sản phụ trong hành trình “vượt cạn”. Với mỗi sản phụ, chị luôn trò chuyện, lắng nghe, cổ vũ và động viện để họ có thêm sức mạnh để “vượt cạn” thành công.
Hằng ngày chị tiếp xúc với các sản phụ, theo dõi sức khỏe và đỡ đẻ cho họ. Với chị mỗi ngày mang đến một cảm xúc riêng, có lúc vui mừng rơi nước mắt, có lúc lặng lẽ lo âu. Giọt nước mắt hạnh phúc khi tự tay mình đón những thiên thần bé nhỏ khoẻ mạnh cất tiếng khóc chào đời, nhìn sản phụ “vượt cạn” thành công mỉm cười hoặc là những lúc cấp cứu một ca bệnh sản nặng, hồi sức sơ sinh ngạt thành công, lúc đó niềm vui mừng khôn siết.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Ngọc Trâm chung vui với sản phụ sau khi đón những em bé khỏe mạnh chào đời.
Bên cạnh đó, có những ca sinh khó, có khi còn phải chứng kiến sự mất mát. Từ ánh mắt hoang mang của sản phụ, người nhà, hay đó là cảm giác bất lực của cả ê kíp khi đã làm hết sức mà không thể giữ trọn vẹn niềm hy vọng. Rồi những lần trực tiếp đỡ sanh và chứng kiến những bé chào đời nhưng không được may mắn như bao bé khác như bị dị tật bẩm sinh, sức khoẻ yếu, không khóc khi chào đời, khiến chị rất buồn, khó diễn tả được cảm xúc. Nhưng đây cũng là lúc người nữ hộ sinh cần bình tĩnh, vững vàng để vừa làm tốt chuyên môn vừa là chỗ dựa tinh thần cho sản phụ và người nhà.
“Sau những ca đỡ đẻ thành công cho sản phụ, tôi lại học được nhiều điều hơn. Đó là sự kiên nhẫn, sự biết ơn, sự bình tĩnh trước mỗi sản phụ, cẩn thận với những trường hợp cấp cứu hay bé bị ngạt. Sau cùng, đó là sự lắng nghe sâu sắc hơn từng tiếng mạch đập, nhịp tim thai, sự lo âu, lo lắng của sản phụ và người nhà. Chính những điều ấy đã nhắc nhở tôi phải cần phải làm tốt vai trò của mình, không chỉ là nhân viên y tế, mà còn là người đồng hành trong hành trình “vượt cạn” của sản phụ. Nghề hộ sinh hơi đặc biệt một chút vì mình không tạo ra sự sống, nhưng mình giúp sự sống ấy đến thế giới này an toàn nhất có thể. Và đó là điều khiến tôi luôn cảm thấy tự hào, dù công việc có mệt mỏi và vất vả đến đâu”,- chị Trâm chia sẻ.
Không hào nhoáng, không phô trương, họ chọn cách âm thầm bước vào hành trình gìn giữ sự sống. Mỗi ca trực xuyên đêm, mỗi lần can thiệp cấp cứu, mỗi lời động viên nhẹ nhàng… đều là minh chứng cho một tấm lòng tận tụy và nhân hậu. Dù áp lực công việc nặng nề, họ vẫn giữ nụ cười dịu dàng, ánh mắt trấn an, để xoa dịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho bệnh nhân. Họ mang trong mình tình yêu thương bệnh nhân như chính người thân của mình. Nhờ có họ, hành trình vượt qua bệnh tật của mỗi người trở nên bớt cô đơn và nhiều hy vọng hơn bao giờ hết.
Mai Liên