Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là nền tảng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành.
Thiếu cả máy móc lẫn nhân lực
Cơ sở hạ tầng CNTT còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các cơ sở y tế.
Đơn cử tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai, anh Bùi Quang Sơn – Trưởng phòng Hành chính - Quản trị - Tổ chức chia sẻ: Khó khăn nhất là khi triển khai ứng dụng CNTT chính là cơ sở hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng. Toàn bệnh viện Hệ thống CNTT gồm 02 máy chủ, 45 máy trạm và 40 máy in các loại đã được đưa vào sử dụng trên 5 năm, cấu hình yếu, nay đã xuống cấp, mạng Internet và LAN kết nối hết các khoa, phòng; hệ thống camera giám sát cũng đã cũ. Bên cạnh đó, một yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại bệnh viện chính là nguồn nhân lực. Khi phát triển các ứng dụng cao đòi hỏi cán bộ chuyên trách CNTT vừa phải đủ về số lượng lẫn chất lượng mới đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, toàn bệnh viện chỉ có 01 chuyên trách CNTT. Hai năm qua, bệnh viện không tuyển thêm được nhân viên CNTT nào vì mức lương thấp dù có đăng tuyển.

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh đăng ký khám bệnh cho bệnh nhân qua quét thẻ BHYT.
Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền đã đưa vào sử dụng phần mềm FPT eHospital, đây là phần mềm do Sở Y tế Đồng Nai làm chủ đầu tư, hợp tác với công ty FPT triển khai thực hiện trong gói thầu triển khai hệ thống thông tin trên toàn tỉnh. Đây là phần mềm sử dụng trong việc quản lý toàn bộ hoạt động khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án…tại các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh trên địa bàn tỉnh.
Hay tại TTYT huyện Định Quán, theo anh Tô Như Thành - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ chia sẻ: Hệ thống máy của Trung tâm (bao gồm cả trạm y tế) cũng được đưa vào sử dụng từ lâu, cấu hình thấp trong khi các chương trình đều cần đến hệ thống này. Hiện nay, tại các trạm y tế còn sử dụng trên 10 phần mềm cho các chương trình, nghĩa là mỗi chương trình hoạt động là một phần mềm báo cáo. Có những phần mềm được sử dụng từ những năm 2007 như báo cáo tai nạn thương tích…vẫn chưa được thay thế, trong khi đã có một phần mềm báo cáo chung. Nghĩa là một cán bộ y tế chuyên trách phải nhập 2-3 lần một cái báo cáo vì cả hệ thống chưa khớp với nhau. Như vậy sẽ làm mất nhiều thời gian cho nhân viên y tế.
“Nguyên nhân chính của khó khăn này là do các đơn vị còn gặp khó về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu. Bên cạnh đó, chi phí cho việc đầu tư các hạng mục máy móc, các phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh, hệ thống thông tin xét nghiệm, phần cứng cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin khá tốn kém. Việc tuyển dụng viên chức ngành CNTT cũng khó khăn khi mức lương chưa cao”- anh Sơn cho biết thêm.
Quan tâm đầu tư máy móc đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số
Trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành y tế năm 2023, Sở Y tế cũng xác định mục tiêu tiếp tục hoàn chỉnh và triển khai rộng hệ thống thông tin y tế của ngành y tế nhằm phục vụ tốt công tác điều hành, quản lý ngành, công tác điều trị bệnh và phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, hướng đến mô hình ngành y tế thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0. Các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động trong quản lý, điều trị bệnh và phòng bệnh dựa trên lợi ích thiết thực mà CNTT mang lại. Cán bộ y tế được nâng cao trình độ về CNTT và ứng dụng CNTT ở nhiều mức độ khác nhau vào hoạt động ngành.

Hệ thống dây mạng của Bệnh viện Y Dược cổ truyền qua nhiều lần sửa chữa đều phải đi bên ngoài.
Theo anh Tô Như Thành để đạt được mục tiêu như mong muốn, các cơ sở y tế phải được quan tâm hơn nữa, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu cho các cơ sở. Vì trên thực tế nhiều nơi vẫn còn đang sử dụng máy tính cũ, cấu hình thấp, hay hỏng hóc gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngành y tế cần tăng cường tập huấn cho cán bộ phụ trách chuyên môn của các trạm y tế để sử dụng thành thạo phần mềm liên quan đến công tác của mình.
BS.CKII Lê Quang Trung – Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay, và cụ thể UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 01/03/2023 về việc chuyển đổi số trên toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025 Sở Y tế có 05 dự án chuyển đổi số phải hoàn thành gồm: xây dựng Trung tâm điều hành Y tế thông minh; xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc; triển khai hệ thống Bệnh án điện tử ngành Y tế giai đoạn 1; triển khai ứng dụng Tư vấn khám chữa bệnh từ xa; cung cấp thiết bị đầu cuối CNTT phục vụ chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hiện nay, Sở Y tế đã hoàn thành Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 03 dự án, đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và đang trong giai đoạn góp ý của các Sở ngành. Sở Y tế đang tiếp tục hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 02 dự án còn lại trong tháng 5-2023.
Mai Liên