Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 655/KH-BYT về truyền thông dân số năm 2025, mục tiêu nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ và các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Y tế nhấn mạnh “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân số trong tình hình mới; coi việc thực hiện chính sách dân số và phát triển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Tận dụng lợi thế của truyền thông số, truyền thông xã hội với tiêu chí đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, sát với thực tiễn và phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, miền để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và kiến thức về dân số đến từng người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dân số và phát triển”.

TTYT huyện Nhơn Trạch tổ chức truyền thông về giới tính cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện.
Chương trình trọng tâm trong tuyên truyền về dân số cấp Trung ương gồm: Truyền thông chính sách dân số, tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 149-KL/TW ngày 10-4-2025 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Truyền thông về xây dựng Luật Dân số, các văn bản về công tác dân số đến năm 2030 và các sự kiện dân số trọng tâm như kỷ niệm Ngày dân số thế giới, Ngày Quốc tế Người cao tuổi, Ngày Quốc tế Trẻ em gái, Ngày dân số Việt Nam và Tháng hành động Quốc gia về Dân số...
Ngoài ra, cần tổ chức các hoạt động truyền thông dân số đa dạng trên các phương tiện, các loại hình truyền thông số, tăng cường kết nối truyền thông trên mạng xã hội (Fanpage, Zalo, Youtube, TikTok...).Bên cạnh đó, phối hợp liên ngành về truyền thông dân số nhằm huy động và phát huy hiệu quả sự tham gia của các cấp hội, đoàn thể trong công tác truyền thông dân số phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi ngành, lĩnh vực và mỗi địa phương.
Ở cấp địa phương, truyền thông bao gồm tổ chức cung cấp thông tin cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp những vấn đề dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. Đồng thời, tổ chức các cuộc mít tinh, cổ động, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, loa phát thanh tại địa phương nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về dân số cho mọi tầng lớp nhân dân nhân các sự kiện, ngày lễ lớn và các sự kiện dân số như: Ngày Dân số Thế giới, ngày Quốc tế trẻ em gái, ngày Tránh thai thế giới, ngày Thalassemia thế giới, ngày Quốc tế người cao tuổi, tháng hành động Quốc gia về Dân số và các sự kiện truyền thông khác…
Tại cộng đồng, tăng cường tổ chức truyền thông trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, nam giới, vị thành niên/thanh niên, người cao tuổi tại các địa bàn về: tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; giảm thiểu phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên và các vấn đề đặc thù tại địa phương.
Vận động và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông về dân số; lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước của cộng đồng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa.
Chú trọng tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ làm công tác truyền thông về dân số và phát triển; tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số tại cơ sở.
Bích Ngọc