Sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet mang lại nhiều lợi ích nhưng không kém rủi ro cho trẻ em, nhất là trong thời đại công nghệ số, kỷ nguyên số, công dân số như hiện nay.
Theo thống kê của Global Digital Headlines (Tiêu đề kỹ thuật số toàn cầu), Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số; 70 triệu người dùng mạng xã hội tương đương với 71% tổng dân số, trong đó có nhiều trẻ em.
ThS Hà Văn Phúc - Viện trưởng Viện đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (ITD) chia sẻ: Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau như: xem phim, học tập, tìm kiếm thông tin, sử dụng mạng xã hội, theo dõi các nhân vật của công chúng, trò chuyện với bạn bè, người thân… Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em tiếp xúc sớm đó là phụ huynh bận rộn, chưa có nhiều thời gian dành cho con, bên cạnh đó công tác giáo dục cũng đang sử dụng chuyển đổi số, ngoài ra các gói học tập online cũng dẫn đến thực trạng trẻ sớm tiếp cận với Internet.

Một buổi tuyên truyền về nâng cao kiến thức và kỹ năng cho học sinh với chủ đề “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và cảnh giác với fake news”.
Ngoài những điều tích cực, việc tiếp cận sớm với môi trường Internet cũng có nhiều nguy hại đối với trẻ em. Theo ThS Phúc, nếu không có định hướng, quản lý của cha mẹ, trẻ em có thể tiếp xúc, bị "đầu độc" bởi những thông tin xấu độc với những nội dung đồi trụy, bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi; thậm chí là những video hướng dẫn cách tự làm tổn thương bản thân như cắt da, tự tử... Đặc biệt, trẻ em trong giai đoạn dậy thì, đang phát triển là lứa tuổi dễ bị tác động và dễ bị tổn thương về tâm lý nhất. Các em luôn muốn chứng tỏ bản thân, chứng minh mình đã lớn với bố mẹ, thầy cô, bạn bè, vì vậy sẽ rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến hành động sai trái khi tiếp cận những thông tin xấu trên mạng xã hội, Internet. Trẻ em có thể phải đối diện với nguy cơ bị bắt nạt trên không gian mạng. Ở đời thực, trẻ em thường bị bạo lực về thể xác, còn bắt nạt trực tuyến sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của nạn nhân thông qua các hành vi đăng tin đồn, lời đe dọa, đánh giá, chê bai hay sỉ nhục, kêu gọi tẩy chay… khiến trẻ có nhiều phản ứng, cảm xúc tiêu cực, sợ hãi, thất vọng, tức giận, chán nản, trốn tránh, cảm thấy bị hạ thấp lòng tự trọng thậm chí tăng ý định tự tử.
Khi không được trang bị kỹ năng phòng bị, trẻ em có thể là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại tình dục… Các đối tượng thông qua Internet, mạng xã hội tiếp cận trẻ bằng những lời lẽ gạ gẫm, phỉnh nịnh, dụ dỗ bằng tiền, quà tặng để các em cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc cài các phần mềm độc hại, từ đó thực hiện các hành vi tấn công như quay lén, ép buộc, xâm hại tình dục trẻ. Hằng năm xảy ra khoảng 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó, số lượng vụ việc xâm hại trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đáng báo động là tình trạng trẻ em bị cô lập trên mạng, gây nên những sự việc đau lòng vừa qua, đặt ra yêu cầu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
“Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết của mỗi gia đình và xã hội. Chúng ta hãy cùng nhau hành động để tạo ra một môi trường mạng an toàn và lành mạnh cho trẻ em”,- ThS Phúc nói.
Hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng, Luật tiếp cận thông tin; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030…
Nhằm triển khai Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021. Cục An toàn thông tin đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia trong công tác bảo vệ trẻ em biên soạn, xuất bản cuốn sách: “Bộ cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” với mục đích cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng, cung cấp nhiều giải pháp thiết thực để bảo vệ trẻ em, bao gồm:
Giám sát và hướng dẫn: Phụ huynh và giáo viên cần giám sát và hướng dẫn trẻ em khi sử dụng Internet, giúp trẻ nhận diện và phòng tránh các rủi ro.
Sử dụng phần mềm bảo vệ: Cài đặt các phần mềm bảo vệ và kiểm soát truy cập để ngăn chặn trẻ em truy cập vào các trang web không phù hợp.
Giáo dục về an toàn mạng: Tổ chức các buổi giáo dục về an toàn mạng cho trẻ em, giúp trẻ hiểu rõ về các nguy cơ và cách phòng tránh.
Khuyến khích hoạt động ngoài trời: Khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động ngoài trời và giao lưu với bạn bè để giảm thiểu thời gian sử dụng Internet.
Mai Liên