Sau gần một năm đi vào hoạt động, phòng thí nghiệm môi trường đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 của Trung tâm Y tế huyện Long Thành đã phát huy hiệu quả phục vụ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn và khu vực lân cận. Đây là phòng xét nghiệm nước vi sinh đầu tiên ở tuyến huyện của tỉnh Đồng Nai được công nhận đạt chuẩn quốc tế về năng lực kỹ thuật và độ tin cậy trong phân tích mẫu.
Việc Trung tâm Y tế huyện Long Thành triển khai phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO không chỉ cho kết quả phân tích mẫu chính xác mà còn rút ngắn thời gian trả kết quả xuống chỉ còn khoảng 24-48 giờ. Từ đó, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Thay vì phải chuyển mẫu đi xa hoặc chờ đợi lâu, giờ đây họ có thể thực hiện các xét nghiệm ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí.
Trường mầm non Lộc An (xã Lộc An, huyện Long Thành) là một trong những đơn vị thường xuyên xét nghiệm mẫu nước định kỳ để đảm bảo an toàn cho bếp ăn bán trú phục vụ hơn 160 trẻ nhỏ. Cô Nguyễn Thùy Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thực hiện theo quy định, cứ 6 tháng một lần, chúng tôi lấy mẫu nước gửi lên Trung tâm Y tế huyện để xét nghiệm các chỉ số như độ pH, độ đục và vi sinh. Kết quả trả về nhanh và chính xác, giúp nhà trường yên tâm trong công tác chăm sóc trẻ.”

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Long Thành thực hiện xét nghiệm mẫu tại phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017.
Phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế huyện Long Thành thực hiện nhiều phép thử đạt chuẩn trong hai nhóm lĩnh vực sinh học và hóa học môi trường. Về hóa học, có các phép thử xác định pH, độ đục và màu của nước. Trong lĩnh vực sinh học, có thể phát hiện và đếm các vi khuẩn Coliform và E.coli - những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng nước sinh hoạt. Tất cả đều được thực hiện dựa trên các phương pháp chuẩn quốc gia như: TCVN 6492:2011, SMEWW 2130 B:2023, TCVN 6187-1:2019.
Bác sĩ Dương Minh Tân – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Thành cho biết, việc đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 là một bước tiến lớn trong việc củng cố uy tín và chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. “Khi đưa phòng xét nghiệm vào hoạt động đúng tiêu chuẩn ISO, đội ngũ nhân viên chuyên môn được nâng cao năng lực rất nhiều. Đồng thời, điều này tạo thêm niềm tin trong cộng đồng và doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Để đạt được tiêu chuẩn ISO, phòng thí nghiệm đã phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến quy trình thực hiện và khả năng kiểm chứng chất lượng thông qua các mẫu ngoại kiểm. Việc thẩm định lại chất lượng phòng xét nghiệm cũng được tiến hành định kỳ mỗi năm, bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của các kết quả phân tích.

Nhân viên bếp Trường mầm non Lộc An, xã Lộc An, huyện Long Thành lấy nước nấu đồ ăn.
Hiện mỗi tháng, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận khoảng 60 mẫu nước cần xét nghiệm, chủ yếu từ các trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp hoặc cơ sở thực phẩm mới thành lập – những nơi có yêu cầu bắt buộc kiểm định nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo quy định, các cơ sở này phải xét nghiệm định kỳ 6 tháng /lần để duy trì điều kiện hoạt động.
Bác sĩ Tân nhấn mạnh: “Từng công đoạn trong quy trình xét nghiệm phải chính xác tuyệt đối, không được sai sót ở bất kỳ bước nào. Phòng xét nghiệm ISO không chỉ giúp kiểm soát chất lượng nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện.”
Với những lợi ích mang lại, phòng thí nghiệm môi trường đạt chuẩn ISO tại Trung tâm Y tế Long Thành đang trở thành một trong những mô hình tiêu biểu trong hệ thống y tế tuyến cơ sở của Đồng Nai. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thiên Thanh