Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng như chăm lo phát triển sự nghiệp y tế của nước nhà. Người đã nhiều lần tới thăm các cơ sở y tế, các trại thương, bệnh binh, đã viết nhiều thư thăm hỏi, động viên cán bộ, viên chức, các thầy thuốc trong ngành và đặc biệt đã có nhiều lời căn dặn, dạy bảo mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự không thể nào quên được.
Năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn quyết liệt nhất, Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc được khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ Bộ trưởng Bộ Y tế chuyển đến Hội nghị bức thư của Người. Trong thư Người căn dặn: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Để thực hiện được điều đó Bác nhắc nhở ngành y tế phải thật sự chú trọng: “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh” và sau này Người còn nâng công tác phòng bệnh lên tầm cao hơn: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”.
Với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, giữa muôn vàn công việc vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến những vấn đề chuyên môn chuyên sâu của ngành y tế, đó là khoa học về y học dự phòng. “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”, “Phòng bệnh hơn trị bệnh” đây không chỉ là lý luận được đúc kết của y học thế giới, y học Việt Nam mà đó còn là một thực tiễn lớn lao mà ông cha chúng ta đã tổng kết “phòng hơn chống”. Thực tế cho thấy, xã hội chi ra một đồng cho công tác phòng bệnh sẽ giảm đi được năm đồng cho công tác chữa bệnh!
Người dân phường Tân Phong, TP.Biên Hòa dọn dẹp vệ sinh 2 bên đường để bảo vệ môi trường và phòng bệnh.
Không dừng lại như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đi sâu khuyên bảo toàn dân phải phòng bệnh như thế nào để bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Khi toàn dân đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người viết tác phẩm “Đời sống mới”. Theo quan niệm của Bác: Đời sống mới bao hàm nhiều tiêu chuẩn và để xây dựng được đời sống mới trách nhiệm của toàn dân phải tham gia. Một trong những tiêu chuẩn của đời sống mới là yếu tố phòng bệnh tật trong các tầng lớp nhân dân. Người dạy: Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, cần phải chú ý sửa cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Công tác phòng bệnh không của riêng một người nào, nhà nào, tầng lớp nào trong xã hội, Người nói: “Nếu người giàu không giúp người nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”. Người còn đề cập ý nghĩa to lớn của ăn ở hợp vệ sinh, một trong những biện pháp phòng bệnh: “Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn”. Người còn căn dặn cho từng cá nhân, tầng lớp trong xã hội về biện pháp phòng bệnh cụ thể, thiết thực nhất. Với từng người “Cách ăn mặc phải sạch sẽ”; với từng nhà “Trong nhà, ngoài vườn luôn luôn sạch sẽ gọn gàng”; với từng làng xóm “Đường sá sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi…”.
Người dành nhiều tình yêu thương, chăm sóc nhất cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bởi Người quan niệm đó là tương lai của cả một dân tộc. Hàng năm, cứ đến ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Tết trung thu Người đều gửi thư và tặng quà cho các cháu. Nhưng Người không khi nào quên căn dặn các cháu giữ gìn vệ sinh, trong năm điều dạy các cháu thiếu niên nhi đồng, Người dành riêng một điều căn dặn các cháu phải tự mình thực hiện tốt công tác phòng bệnh “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.
Không dừng lại ở lời khuyên bảo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên xuống tận cơ sở kiểm tra, đôn đốc, biểu dương cũng như phê bình công tác phòng bệnh trong nhân dân. Về cơ sở, Bác có cách đi riêng, đi không báo trước, đi từ trong ra ngoài, kiểm tra nơi ăn, chốn ở, nhà vệ sinh rồi mới làm việc. Bác không chỉ trực tiếp chữa bệnh cho dân mà còn tham gia công tác phòng bệnh. Bác lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị: “Tập thể dục thể thao để giữ gìn tăng cường sức khỏe, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa”, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nếp tập luyện đều đặn thường xuyên. Ra tù, đi không được Người đã dày công tập leo núi; nhìn không được, Người rèn luyện tự nhìn trong bóng tối. Trong những năm tháng ở Việt Bắc Người đã chữa bệnh cho dân, từng trực tiếp nấu nước lá tắm rửa sạch sẽ cho các cháu ở những thôn, bản Người từng sống và hoạt động cách mạng…
Khắc ghi lời dạy của Người:“Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y như từ mẫu”..., toàn thể cán bộ, nhân viên, các thầy thuốc trong ngành Y tế nguyện không chỉ mang hết sức mình chữa bệnh cho dân mà còn phải biết tuyên truyền, giáo dục và cùng với toàn dân thực hành có hiệu quả công tác phòng bệnh.
Bích Ngọc