Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Ngoài cơn đau thắt ngực, các dấu hiệu khác dưới đây cũng có thể là biểu hiện cảnh báo của nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi.
Thực tế, nếu mảng xơ vữa không vỡ ra mà cứ phát triển âm thầm gây hẹp thì cũng không gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xơ vữa động mạch vỡ ít và cục máu đông được hình thành sau đó không lấp kín toàn bộ lòng mạch thì nó cũng không gây nhồi máu cơ tim cấp mà chỉ gây ra cơn đau thắt ngực không điển hình.
Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim là: Thuyên tắc động mạch vành thứ phát; Thiếu máu cục bộ do sử dụng ma túy (như cocaine, amphetamine, ephedrine); Co thắt mạch vành nguyên phát; Dị tật mạch vành bẩm sinh; Chấn thương mạch vành; Viêm động mạch; Các yếu tố làm tăng nhu cầu oxy (cường giáp, gắng sức nhiều, sốt); Các yếu tố làm giảm khả năng cung cấp oxy (thiếu máu nặng); Bóc tách động mạch chủ; Bệnh phổi cấp tính…
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ.
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp tính
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:
- Xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay. Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
- Người bệnh có biểu hiện vã mồ hôi, khó thở, thở khò khè
- Biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực
- Biểu hiện nôn, buồn nôn, lú lẫn
- Một số người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Cách sơ cứu nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trước khi đến bệnh viện. Những bệnh nhân được điều trị sớm sẽ có tiên lượng và khả năng phục hồi tốt hơn sau nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế có thể điều trị tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng.
Thời gian vàng để điều trị nhồi máu cơ tim là 1-2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Hoặc ít nhất là trong 6 giờ đầu để giảm mức độ hoại tử tim, giảm nguy cơ suy tim sau đó.
Vì vậy, khi phát hiện người nhồi máu cơ tim cấp, cần sơ cứu đúng cách như sau: Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng.
Hãy gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
Ép tim ngoài lồng ngực: Tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
Lời khuyên thầy thuốc
Sau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được điều trị và chăm sóc lâu dài để tránh tái phát và biến chứng về sau. Vì vậy, thay đổi lối sống là điều cần làm xuyên suốt quá trình điều trị.
Cần tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu dư cân hoặc béo phì. Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt. Không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào.
Người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt. Ăn cá hoặc thịt gà thay cho thịt heo, thịt bò
Tránh căng thẳng, luyện tập thư giãn. Người bệnh cần uống thuốc và tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Theo Sức khoẻ và Đời sống