Bệnh mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”, căn bệnh này thường tiến triển âm thầm, ít biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim cấp và đột tử.
Việc chủ động tầm soát, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và duy trì lối sống lành mạnh là chìa khóa giúp ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Bệnh mạch vành nguy hiểm đến mức nào?
TS.BS Võ Tuấn Anh - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, bệnh mạch vành xảy ra khi các động mạch vành hệ thống mạch máu nuôi dưỡng cơ tim bị hẹp hoặc tắc do xơ vữa động mạch hoặc cục máu đông. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây thiếu máu cơ tim. Trong những trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt khi động mạch vành chính bị tắc đột ngột, người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim cấp, dẫn đến ngưng tim đột ngột – biến chứng nguy hiểm nhất, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

TS.BS Võ Tuấn Anh thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật mạch vành.
Hiện nay, bệnh mạch vành đang có xu hướng trẻ hóa do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ từ lối sống hiện đại như: hút thuốc lá, ăn uống không lành mạnh, ít vận động, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Nhận biết sớm các yếu tố này và điều chỉnh kịp thời có thể giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh mạch vành
TS.BS Võ Tuấn Anh chia sẻ, triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành là đau thắt ngực. Cơn đau thường xuất hiện sau xương ức, với cảm giác nặng ngực, bóp nghẹt, như có vật đè lên ngực. Cơn đau kéo dài từ 5-10 phút thậm chí đến nửa giờ, và thường giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Cơn đau thường xuất hiện khi người bệnh gắng sức hoặc gặp căng thẳng tinh thần. Nhiều bệnh nhân kèm theo vã mồ hôi, lo lắng, mệt mỏi, thậm chí phải nhập viện cấp cứu. Đáng lưu ý, không ít trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã diễn tiến nghiêm trọng, thậm chí người bệnh đột tử khi đang ngủ.
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành?
Những người mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành. Đặc biệt, nếu các bệnh này không được kiểm soát tốt, hệ thống mạch máu sẽ bị tổn thương, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch.
Hút thuốc lá, đặc biệt phổ biến ở nam giới là yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh mạch vành. Thuốc lá không chỉ làm hẹp mạch máu mà còn thúc đẩy tiến trình xơ vữa động mạch, làm tăng đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột tử.
Biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
Nếu bệnh mạch vành không được phát hiện và điều trị đúng cách, có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim cấp do tắc nghẽn đột ngột ở nhánh mạch vành quan trọng – thường là nhánh liên thất trước nuôi phần lớn cơ tim bên trái. Khi nhánh này bị tắc, người bệnh có thể rơi vào rung thất, tim ngừng bơm máu, dễ dẫn đến đột tử.
Ngoài ra, bệnh còn có thể gây thủng thành tim do hoại tử cơ tim, tạo thông liên thất, hoặc suy tim mạn tính khi cơ tim đã chết và không còn khả năng hồi phục. Trong các trường hợp nghiêm trọng, khi mô tim không còn khả năng tái tưới máu, lựa chọn điều trị cuối cùng là ghép tim.
Phòng ngừa bệnh mạch vành như thế nào?
TS.BS Võ Tuấn Anh cho hay, bệnh mạch vành hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Dù không thể thay đổi các yếu tố như tuổi tác, giới tính hay tiền sử gia đình, chúng ta vẫn có thể tác động tích cực đến các yếu tố còn lại như: Kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết nếu mắc bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường; ngưng hút thuốc lá càng sớm càng tốt, việc bỏ thuốc trên 10 năm sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa bệnh tim mạch; duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì; tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày; Ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa và thực phẩm giàu cholesterol.
Việc chủ động phòng ngừa không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành mà còn bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung, nâng cao chất lượng sống về lâu dài.
Bích Ngọc