Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới nhưng đứng đầu về tỷ lệ tàn tật, mỗi năm đột quỵ gây ra 6,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới và 5 triệu người tàn phế hoặc chịu những di chứng sau đột quỵ.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của chúng ta bị giảm hoặc mất hoàn toàn do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Hệ quả là vùng não đó không còn được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để có thể duy trì hoạt động và tồn tại. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời, vùng não bị ảnh hưởng có thể bị “chết” hoàn toàn, và không thể khôi phục chức năng bình thường như trước. 

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ được chia làm 2 nhóm gồm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và không thay đổi được. Người có một hoặc một số yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn những người không có yếu tố nào.

Một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gồm: 

Tuổi: Cùng với tiến trình lão hóa, những thay đổi trong cơ thể con người và đặc biệt là khi mạch máu cũng xơ cứng và hẹp lại khi tuổi  ngày càng cao khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác.

Yếu tố gia đình: Tiền sử trong gia đình có người từng bị đột quỵ cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Kiểm tra huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch.

Yếu tố gene: Một số bệnh lý liên quan đến bất thường về gene dẫn đến việc máu dễ đông hơn những người bình thường. Khi cục máu đông hình thành và lưu thông trong mạch máu sẽ khiến tắc mạch tại một vị trí mà nó không thể đi qua. Nếu vị trí tắc mạch là ở mạch máu não thì khi đó đột quỵ xảy ra.

Giới: Trên thế giới nữ giới nguy cơ đột quỵ cao hơn nam giới.  Tuy nhiên, tại Việt Nam theo nghiên cứu của Bệnh viện Bạch Mai thì đàn ông Việt Nam bị đột quỵ nhiều hơn 1,5 lần so với phụ nữ.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: 

Lối sống: Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, sử dụng rượu, bia và thuốc lá, ít vận động, thừa cân,…

Các bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh rối loạn nhịp tim,… là các bệnh lý phổ biến gia tăng nguy cơ đột quỵ.

Nhận biết sớm đột quỵ theo quy tắc BE FAST

Đột quỵ nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời thì người bệnh vẫn có thể hồi phục tốt vì thế nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng. BE FAST là nguyên tắc được hội tim mạch Mỹ (AHA) cũng như nhiều tổ chức khác sử dụng, giúp bệnh nhân và người thân dễ dàng ghi nhớ về những dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ nhằm cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ. Cụ thể:

B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM):  Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa đột quỵ 

Đột quỵ mang tới gánh nặng bệnh tật lớn đối với người bệnh, có khoảng 80% bệnh nhân có di chứng là khuyết tật nặng, đặc biệt là rối loạn vận động, 30% không thể phục hồi. Bên cạnh đó, đối với gia đình, người bệnh đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động của bệnh nhân; ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị.

Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi). Tuy nhiên theo các báo cáo gần đây tại Việt Nam, có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Đây là con số báo động vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội. Do đó người dân cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ. Biện pháp dự phòng đột quỵ tốt nhất hiện nay là thực hiện lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị. 

Thực hiện lối sống lành mạnh gồm: chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều chất béo có hại (thức ăn nhanh, các loại đồ nướng, bánh ngọt…), giảm ăn mặn (<5 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày); hạn chế uống rượu, bia; không hút thuốc lá, thuốc lào; tăng cường hoạt động thể lực với các bài tập phù hợp với sức khỏe, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ví dụ: tập thể dục, đi bộ,…; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc; tránh bị lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Đối với người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường,… cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đúng, đủ liều, đồng thời cần tái khám theo đúng chỉ định của của bác sĩ để phòng biến chứng đột quỵ.

BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai

Share with friends

Bài liên quan

Hút thuốc lá gây nhiều bệnh ung thư
[Video] Tọa đàm: Bệnh mạch vành - Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong
Các biện pháp phòng bệnh hen phế quản nghề nghiệp
[Video] Tọa đàm: Bệnh thiếu máu nguy hiểm như thế nào?
Nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh - Biểu hiện và phòng ngừa như thế nào?
[Video] Bệnh cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Bệnh Parkinson cần được phát hiện và điều trị sớm
Ngày Thế giới phòng, chống Ung thư 4/2: Biện pháp phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Bác sĩ chỉ ra những thói quen trong ngày Tết làm gia tăng nguy cơ đột quỵ
[Video] Bệnh tim mạch và cách phòng ngừa
Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11: Cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó
[Video] Biến chứng của bệnh tiểu đường – Kẻ giết người thầm lặng
[Video] Bệnh viện ĐKKV Định Quán: Hiệu quả khu chạy thận mới trong điều trị bệnh nhân suy thận mạn
Ung thư vú có tỷ lệ mắc cao nhất trong các loại bệnh ung thư
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa
[Infographics] Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10: Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc
[Video] Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày ở giai đoạn khởi phát
Cần có chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần từ ban đầu hiệu quả
[Video] Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh cổ vai gáy
[Video] Rối loạn tiền đình ở người trẻ tuổi - Làm sao để phòng tránh?
TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN