Bệnh trĩ từ lâu đã rất phổ biến trong cộng đồng, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu hết về căn bệnh thầm kín khó chia sẻ này. Ngoài ra, đây là bệnh của vùng nhạy cảm nên nhiều bệnh nhân ngại đi khám cho đến khi bệnh nặng hoặc có biến chứng.
Bệnh khó chia sẻ
Là một công nhân may, công việc thường xuyên phải ngồi nhiều từ 6-8 tiếng, chị N.T.L (40 tuổi - ngụ TP. Biên Hoà) cho biết: Sau khi sinh con, cùng với công việc hàng ngày phải ngồi nhiều, chị thường có cảm giác đau vùng hậu môn, thi thoảng đi cầu còn ra máu tươi. Sau khi đi khám ở bệnh viện, chị được chẩn đoán bị bệnh trĩ.
BS.CKI Nguyễn Xuân Trường - Khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, bệnh trĩ là bệnh đứng đầu trong danh sách các bệnh lý về hậu môn – trực tràng. Bệnh trĩ là tình trạng giãn ra của đám rối tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới. Đó là sự giãn nở quá mức của đám rối tĩnh mạch hậu môn, trực tràng dẫn đến hình thành các búi ở hậu môn. Các búi này có thể lớn dần lên và sa ra ngoài, hoặc mọc ở bên ngoài ngay từ đầu, tăng kích thước gây đau đớn và nghẹt hậu môn, được gọi là các búi trĩ.
Bệnh trĩ được chia làm hai loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là trĩ nằm trong ống hậu môn, không quan sát được. Trĩ ngoại là trĩ nằm ở ngoài hậu môn, bệnh nhân có thể quan sát thấy được.
Hình ảnh trĩ nội và trĩ ngoại.
Có nhiều yếu tố gây tăng nguy cơ bệnh trĩ như: Người bị táo bón lâu ngày do chế độ ăn ít chất xơ, rau xanh, thức ăn nhanh....dẫn đến tình trạng rặn quá mạnh để đẩy phân ra ngoài, lâu dần hình thành trĩ; Người lớn tuổi dây chằng cố định đệm hậu môn bị giãn ra, đồng thời ảnh hưởng đến nguy cơ mắc trĩ. Ngoài ra, ở người cao tuổi, nhu động ruột kém dần, tỷ lệ táo bón cũng thường cao hơn dẫn đến trĩ; Do đặc thù công việc như ngồi lâu, đứng nhiều, bê vác vật nặng đều đặt lên hậu môn những áp lực lớn, dẫn đến trĩ; Phụ nữ có thai và trải qua sinh nở cũng có khả năng bị trĩ cao hơn so với người bình thường; Thói quen ngồi quá lâu khi đi đại tiện, rặn mạnh, rặn không đúng cách góp phần hình thành bệnh trĩ ở người; Những đối tượng thường có quan hệ tình dục qua đường hậu môn…
Dựa vào sự tiến triển, vị trí của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đang ở độ (giai đoạn) nào của bệnh. Bệnh được chia làm 4 độ: Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn; Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong. Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào. Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
Bệnh có thể điều trị và phòng ngừa
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị bệnh trĩ là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa áp dụng cho những bệnh nhân bị bệnh nhẹ, giúp dễ dàng loại bỏ búi trĩ mà không cần quá nhiều can thiệp. Các loại thuốc chủ yếu được chỉ định nhằm các mục đích giảm đau đớn, hỗ trợ việc đại tiện dễ dàng và tăng độ bền tĩnh mạch hậu môn. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để hiệu quả điều trị được đảm bảo.
Còn đối với điều trị ngoại khoa áp dụng cho những trường hợp có các biến chứng huyết khối. “Bệnh trĩ nên được can thiệp bằng cách cắt bỏ phối hợp lấy huyết khối. Đối với trường hợp nhẹ có thể dùng thủ thuật thắt búi trĩ bằng dây thun hoặc chích xơ mạch máu đến nuôi búi trĩ. Tuy nhiên, chích xơ chỉ định trong trĩ độ 1 và 2, không chỉ định cho trĩ ngoại, trĩ có huyết khối, trĩ nội bị viêm loét hoặc hoại tử. Hiện nay, phương pháp Longo là phương pháp được lựa chọn rộng rãi trong phẫu thuật cắt bỏ trĩ để điều trị trĩ nội độ 3 và độ 4. Đây là phương pháp không cắt trĩ mà làm gián đoạn các mạch máu trĩ trên và giữa, sau đó khâu niêm mạc hậu môn - trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về vị trí trong ống hậu môn do đó làm teo mô trĩ. Ưu điểm ít gây khó chịu hơn vì không cắt bỏ vùng da hậu môn” - BS Trường chia sẻ.
Để hạn chế mắc bệnh trĩ, cần một chế độ ăn nhiều chất xơ như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám như lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,... giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân; Hạn chế các đồ ăn kích thích như cay, nóng; Uống từ 6-8 ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân. Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu. Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó đi cầu hơn. Duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Hạn chế ngồi lâu, đặc biệt là trên bồn cầu để tránh áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.
“Khi phát hiện bệnh, cần phải thăm khám, tuân thủ tư vấn điều trị của bác sĩ. Nếu chữa trị không đúng có thể gây thiếu máu do mất máu mạn tính qua búi trĩ. Sau khi thực hiện cắt bỏ búi trĩ ra khỏi cơ thể, bệnh trĩ hoàn toàn có thể quay trở lại nếu người bệnh tiếp tục vi phạm những nguyên tắc trong phác đồ điều trị trĩ như ăn các đồ cay nóng, cứng khó tiêu hóa, ăn nhiều dầu mỡ sẽ khiến ruột phải làm việc nhiều để đào thải phân thì nguy cơ bị trĩ sẽ rất dễ bị lại. Vì vậy, sau khi cắt, bệnh trĩ có bị lại hay không phụ thuộc rất lớn vào việc giữ gìn phòng ngừa của chính cá nhân người bệnh, xây dựng lối sống lành mạnh, hợp lý để hạn chế thấp nhất việc tái phát bệnh trĩ”. Bs Trường khuyến cáo.
Mai Liên