Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó nguyên nhân chính do các bệnh: tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,…
Tỷ lệ mắc và tử vong do BKLN cao
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, BKLN là nhóm bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao nhất, tập trung ở các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126 nghìn ca mắc mới ung thư… Các BKLN gây ra 77% các trường hợp tử vong hằng năm, trong số đó có trên 40% tử vong trước 70 tuổi.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Tại Đồng Nai, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), số ca mắc ung thư trên địa bàn hiện đang quản lý là 13.266 ca, trong đó 12.477 ca hiện còn sống. Nhìn chung, bệnh ung thư phân bố đa dạng về loại bệnh và tập trung vào nhóm ung thư đường tiêu hóa, hô hấp, tuyến giáp và phụ khoa. Cụ thể, bệnh ung thư đại, trực tràng, ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất 13,8%, 13,5%; ung thư gan và ung thư vú chiếm tỷ lệ 12,2% và 12,4%, tiếp theo là bệnh ung thư phổi chiếm tỷ lệ 10,8%.
Bệnh nhân bị bệnh tiểu đường đang được lấy máu để kiểm tra tại Bệnh viện ĐK Thống Nhất.
Tổng số bệnh nhân bị bệnh Tăng huyết áp được quản lý năm 2023 là 16.112 người. Trong đó số bệnh nhân điều trị đạt huyết áp mục tiêu là 10.692 người. Số bệnh nhân ghi nhận được từ các TTYT và bệnh viện là 80.127 người.
Còn đối với bệnh Đái tháo đường, tổng số lượt người được xét nghiệm đường huyết và tư vấn đái tháo đường trong năm 2023 là 25.182 lượt, trong đó: 8.958 người mới (trong đó: 6.297 người bình thường, 1.469 người tiền ĐTĐ và phát hiện 2.192 bệnh nhân mới) và tư vấn cho 16.224 lượt bệnh nhân cũ.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa BKLN
BS.CKI Dương Cường, Trưởng khoa Phòng chống BKLN, CDC Đồng Nai cho biết: Điều đáng sợ của BKLN đó là bệnh diễn tiến âm thầm, không có những biểu hiện triệu chứng rõ ràng để người mắc biết đi khám, chính vì vậy ý thức phòng ngừa bệnh người dân chưa cao. Để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các BKLN; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý BKLN; tăng cường năng lực hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ tỉnh đến cơ sở…
Bên cạnh đó, ngành Y tế còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động khác như tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông phòng, chống BKLN cho cán bộ y tế tuyến cơ sở; khám sàng lọc phát hiện sớm; triển khai các mô hình, dự án quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản…tại trung tâm y tế các huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2023, phối hợp với đài phát thanh huyện/xã/phường/thị trấn phát thanh tuyên truyền hơn 12 ngàn lượt bài các kiến thức về BKLN. Cán bộ y tế, cộng tác viên tuyến xã thực hiện vãng gia, tư vấn sức khỏe cho gần 3.300 lượt người bệnh ung thư và gia đình người bệnh. Phân phát hàng chục ngàn tờ rơi về các BKLN. Triển khai “Tuần lễ toàn dân đi do huyết áp” đã có hơn 7.600 người tham gia đo huyết áp. Triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng ngày sức khỏe tâm thần thế giới; Ngày Thế giới phòng chống ung thư; Ngày Thế giới Phòng chống tăng huyết áp; Ngày Tim mạch thế giới,… bằng các hình thức như truyền thông lưu động, tuyên truyền trên đài truyền thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tư vấn sức khỏe cho người dân đến khám tại trạm y tế, phòng khám hoặc trong các buổi người bệnh đến khám sức khỏe tại trạm y tế, cơ sở y tế,...; 100% xã, phường triển khai các hoạt động truyền thông phòng các BKLN lồng ghép với các chương trình, hoạt động khác.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên các chỉ tiêu của BKLN cơ bản đều đạt, cụ thể bệnh Đái tháo đường 3/3 chỉ tiêu đều đạt: Duy trì 170 trạm y tế xã /phường/thị trấn thực hiện khám sàng lọc chủ động hoặc cơ hội; Duy trì 100% Trạm Y tế xã/phường có cán bộ được đào tạo về quản lý, tư vấn, điều trị và biện pháp dự phòng bệnh đái tháo đường; Phát hiện 50% người bệnh đái tháo đường (đạt 60,8%) và quản lý 50% người bệnh đái tháo đường được phát hiện, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn (đạt 59%). Bệnh Ung thư 3/2 chỉ tiêu đạt, còn chỉ tiêu phát hiện bệnh nhân ung thư giai đoạn sớm chưa đạt vì do người bệnh chưa có thói quen đi tầm soát khám sức khỏe định kỳ, khi có triệu chứng bệnh đã ở giai đoạn trễ. Bệnh Tăng huyết áp 9/7 chỉ tiêu đạt.
"Nếu hiểu đúng về bệnh, có thể phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc, giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những bệnh này gây ra. Việc nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh, sớm biết những nguy cơ mắc bệnh để tự quản lý sức khỏe của mình rất quan trọng” - bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Thanh Tú