Sáng 15-5, đoàn công tác của Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế phối hợp với UNAIDS và FHI-360 đã có buổi làm việc tại Đồng Nai để tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ việc triển khai mua sắm thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế và xây dựng kế hoạch đáp ứng bền vững với HIV của địa phương đến năm 2030. Đoàn công tác do TS Đỗ Thị Nhàn - Phòng Điều trị HIV/AIDS và nghiện chất, Cục Phòng bệnh làm trưởng đoàn, phía Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có BS.CKII Lưu Văn Dũng – Phó giám đốc Sở.
Theo báo cáo của CDC Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị ARV, trong đó có 9 cơ sở điều trị bằng thuốc ARV thông qua nguồn bảo hiểm y tế, chiếm trên 95%. Khoảng 5% còn lại là những bệnh nhân tại trại giam, trại tạm giam, bệnh nhân nhi, bệnh nhân phác đồ khác, bệnh nhân gia hạn thẻ.

Cục Phòng bệnh làm việc tại Đồng Nai để tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ việc triển khai mua sắm thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế.
Hiện nay, Đồng Nai đang sử dụng 3 nguồn thuốc ARV gồm: nguồn bảo hiểm y tế, nguồn ngân sách nhà nước và nguồn Quỹ toàn cầu (QTC).
Thực hiện Công văn số 1890/SYT-NV ngày 15/04/2025 của Sở Y tế về việc đề xuất danh mục dự kiến mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương bổ sung lần 1 cho giai đoạn 2025 – 2026, CDC Đồng Nai đã hỗ trợ các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh thực hiện lập kế hoạch trên hệ thống HMED (bộ công cụ quản lý thuốc điều trị và dự phòng HIV do USAID, PEPFAR hỗ trợ xây dựng), tiến hành tổng hợp gửi trên hệ thống HMED trình Cục Phòng bệnh hỗ trợ rà soát trước khi tiến hành in ký trình gửi về Sở Y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, các thuốc BHYT đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2024-2025 đang tạm ngừng cung cấp nên một số cơ sở điều trị đang phải sử dụng qua nguồn QTC để duy trì phác đồ điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên nếu tiếp diễn dài sẽ dẫn tới hết thuốc QTC và bệnh phân phải đổi phác đồ khác. Các cơ sở điều trị sẽ không sử dụng đảm bảo tối thiểu 80% theo như cam kết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng chia sẻ: Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đang rà soát thuốc từ các cơ sở điều trị để không làm gián đoạn công tác điều trị cho bệnh nhân. Cùng với các biện pháp như truyền thông, điều trị trước phơi nhiễm bằng PrEP…thì điều trị ARV sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Mai Liên