Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Tại sao phải quan trắc môi trường lao động?
Người lao động là lực lượng thiết yếu quyết định chất lượng doanh nghiệp và sức khỏe người lao động là yếu tố nòng cốt cho sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo sức khỏe của bộ phận này được ví như đảm bảo trái tim doanh nghiệp.
Sức khỏe người lao động và môi trường lao động có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu môi trường lao động tốt, quan hệ lao động hài hòa thì sức khỏe người lao động được cải thiện sẽ kích thích sản xuất, tăng năng suất lao động. Nếu môi trường lao động bị ô nhiễm, điều kiện lao động không tốt sẽ làm suy giảm sức khỏe người lao động, gây bệnh tật, chấn thương, tai nạn sẽ dẫn tới tăng chi phí lao động xã hội, giảm năng suất lao động.
Hiện nay người lao động thường phải làm việc trong môi trường tồn tại nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tiếng ồn, hóa chất, bụi... các yếu tố này nếu không được kiểm tra, rà soát, phân tích kỹ lưỡng dẫn đến vượt quá mức quy định sẽ gây ảnh hưởng xấu đến người lao động.

Viên chức Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, CDC Đồng Nai thực hiện quan trắc môi trường tại cơ quan.
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, chỉ trong khoảng thời gian 5 năm gần đây nhất, có khoảng 10% số liệu chỉ ra rằng môi trường lao động tại các cơ sở trong cả nước không đạt tiêu chuẩn, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động hoặc có thể mắc các căn bệnh nguy hiểm khi phải tiếp xúc với điều kiện làm việc không đạt chuẩn. Do đó, quan trắc môi trường lao động là cần thiết để kiểm soát được các yếu tố trong môi trường làm việc của đơn vị và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Tầm quan trọng của quan trắc môi trường lao động
Quan trắc môi trường lao động giúp bảo vệ sức khỏe người lao động; đảm bảo an toàn lao động; nâng cao hiệu suất, chất lượng công việc và tuân thủ quy định của pháp luật. Cụ thể:
Bảo vệ sức khỏe người lao động: Đo kiểm môi trường lao động giúp xác định và đo lường các yếu tố có thể gây hại cho sức khỏe của người lao động như chất độc, hơi độc, bụi, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Thông qua việc theo dõi và đánh giá môi trường làm việc, các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe có thể được áp dụng để giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương và các bệnh liên quan đến công việc.
Đảm bảo an toàn lao động: Việc quan trắc môi trường lao động giúp cung cấp thông tin cần thiết để xác định các nguy cơ tiềm ẩn và tình trạng an toàn trong môi trường làm việc. Nếu một yếu tố môi trường vượt quá ngưỡng an toàn, các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa sẽ được thực hiện ngay lập tức.
Tuân thủ quy định pháp luật: Đây là một phần quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn và bảo vệ sức khỏe lao động. Các tổ chức và doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn và quy định liên quan đến môi trường làm việc và quản lý rủi ro.
Nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc: Một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và thoải mái có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất và chất lượng làm việc. Để đảm bảo hiệu quả làm việc thì việc tạo ra môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là rất cần thiết.
Tần suất quan trắc môi trường lao động
Các nhà máy sản xuất như nhà máy cơ khí, nhà máy sử dụng nhiên liệu đốt, các nhà máy sản xuất giấy, các nhà máy sử dụng hóa phẩm... hay tất cả các đơn vị đang sử dụng người lao động dù có hay không có hợp đồng lao động đều bắt buộc phải thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ.
Các đơn vị này định kỳ hằng năm phải quan trắc môi trường lao động ít nhất 01 lần, lập và định kỳ bổ sung hồ sơ quản lý vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động và bệnh nghề nghiệp.
Quan trắc môi trường lao động không chỉ bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn giúp người sử dụng lao động tuân thủ các quy định pháp luật. Chính vì thế, các cơ quan, đơn vị hãy thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ để xây dựng môi trường làm việc an toàn.
Hồ Hồng