Ngày 10-8, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) tổ chức Hội nghị Vi phẫu - Tạo hình lần 4, chuyên đề về cập nhật về các vạt da cuống trong tạo hình, ứng dụng trong điều trị vết thương. Tham dự hội nghị có các chuyên gia đầu ngành về vi phẫu đến từ TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương…., cùng dự có đại diện lãnh đạo và các y bác sĩ Bệnh viện ĐK Thống Nhất.
BS.CKII Nguyễn Tường Quang - Phó giám đốc Bệnh viện ĐK Thống Nhất phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, đã có 12 đề tài tiêu biểu về các phương pháp sử dụng các vạt da cuống để tạo hình thẩm mỹ cho bệnh nhân được các chuyên gia chia sẻ như: “Sử dụng các vạt da cân cuống ngoại vi vùng cẳng chân sau che phủ mất mô cẳng chân" do PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Liên Chi hội vết thương TPHCM trình bày; “Đánh giá kết quả sử dụng vật da cân cơ mông lớn trong điều trị loét vùng cùng cụt tại bệnh viện ĐK Bà Rịa" do BS.CKII Nguyễn Phương Nam - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện ĐK Bà Rịa trình bày; “Vạt da vai và vạt da cơ mông rộng tự do” của TS.BS Mai Trọng Tường - Trưởng khoa Vi phẩu tạo hình, Bệnh viện Chấn Thương chỉnh hình; “Vạt da cẳng chân sau che phủ lộ gân gót” do BS.CKI Đường Hùng Mạnh - Khoa tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM; “ Đánh giá bước đầu điều trị vết thương mất búp ngón bằng phương pháp băng kín" do BS.CKI Nguyễn Tá Úy - Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai); “Vai trò vi phẩu tạo hình trong cấp cứu vết thương chi trên" do BS.CKII Võ Thái Trung - Phó trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện ĐK Bình Dương trình bày",...
Các chuyên gia báo cáo tại Hội nghị.
Chia sẻ tại hội nghị về đề tài “Ứng dụng vạt sural che phủ gót trên bệnh nhân đái tháo đường”, ThS.BS.CKII Nguyễn Thế Ty - Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bưu điện cho biết, loét bàn chân Đái tháo đường là một trong những tổn thương nặng, nguy cơ cắt cụt chi cao. Vì vậy, vấn đề bảo tồn chi cần được đặt ra, đặc biệt với những bệnh nhân trẻ thì vấn đề này càng được chú trọng hơn để bệnh nhân có chất lượng cuộc sống cao hơn và sớm trở về hòa nhập với cộng đồng. Chúng tôi đã từng bước tiến hành kiểm soát đường huyết, kiểm soát nền vết thương và ứng dụng vạt sural che phủ khuyết hổng vùng gót trên 02 bệnh nhân Đái tháo đường. Bước đầu đem lại kết quả tương đối khả quan.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Liên Chi hội vết thương TP.HCM với báo cáo “Sử dụng các vạt da cân cuống ngoại vi vùng cẳng chân sau che phủ mất mô cẳng chân” cho biết, đặc điểm mô mềm vùng cẳng chân có da và lớp mô dưới da mỏng, căng. Ngay bên dưới da và mô dưới da là các mô gân, xương, khớp, thần kinh với hệ thống máu nuôi kém. Che phủ mất da, mô vùng cẳng chân, nhất là 1/3 dưới cẳng và cổ chân luôn là thách thức cho các nhà tạo hình.
Các vạt da, cân, cơ vùng chi dưới có nguồn máu nuôi từ các mạch đi theo vách cân liên cơ (mạch xuyên) và mạng mao mạch trên cân. Dựa trên nguồn máu nuôi này với các mạch xuyên, vòng nối mạch quanh cổ chân, chúng ta có thể thiết lập các vạt da cân cuống ngoại vi để che phủ các mất mô mềm vùng 1/3 dưới cẳng chân và cổ chân. Các vạt da cân cuống ngoại vi thường dùng vùng cẳng chân sau gồm: vạt cẳng chân sau trong, vạt cẳng chân sau và vạt cẳng chân sau ngoài.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao về ý nghĩa cũng như vai trò ứng dụng trong thực tế của các đề tài nghiên cứu khoa học; đồng thời, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc để các y, bác sĩ nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đề tài khoa học trong điều trị thực tế cho bệnh nhân,…
Kỹ thuật vi phẫu được Bệnh viện ĐK Thống Nhất triển khai hơn 10 năm nay, đây là một kỹ thuật khó đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo của các bác sĩ. Việc triển khai Hội nghị khoa học nhằm giúp các bác sĩ chia sẻ, trao đổi các kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện kỹ thuật về vạt da vi phẫu giúp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân.
Thanh Tú