Không ít người, đặc biệt là trẻ dậy thì, gặp tình trạng da vùng cổ, nách, bẹn... bị sẫm màu, dày và thô ráp như ở dơ lâu ngày không vệ sinh. Dù được tắm rửa sạch sẽ nhưng vùng da kém thẩm mỹ này vẫn không cải thiện, khiến người bệnh tự ti, xấu hổ. Theo y khoa, những biểu hiện trên gọi là dấu gai đen - một biểu hiện da liễu có liên quan đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Thời gian qua, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị thừa cân, béo phì kèm theo biểu hiện vùng da cổ thâm, sẫm màu, thô ráp. Cử nhân (CN) Nguyễn Thị Hường, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế cho hay, những biểu hiện trên theo y khoa gọi là dấu gai đen - tình trạng vùng da bị sạm màu, dày và thô ráp như nhung, nhìn như bị “bẩn” dù đã vệ sinh sạch sẽ, thường xuất hiện ở những vị trí nếp gấp trên cơ thể như cổ, nách, bẹn, khuỷu tay, đầu gối hoặc khớp ngón tay. Đối với trẻ dậy thì, dấu hiệu này không nên bỏ qua, vì có thể là biểu hiện của rối loạn chuyển hóa.
Nguyên nhân chính liên quan dấu gai đen đó là: tình trạng đề kháng insulin: hay gặp ở người béo phì, trẻ thừa cân; Rối loạn nội tiết: hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, cường insulin... Một số thuốc như corticosteroid, thuốc tránh thai, thuốc tăng trưởng; Di truyền hoặc bệnh lý ác tính (hiếm gặp hơn, đặc biệt là ở người lớn).
Dấu gai đen còn có thể đi kèm với các triệu chứng như tăng cân nhanh, mỡ tập trung vùng bụng, mệt mỏi, uể oải, kinh nguyệt không đều (ở nữ giới), có người trong gia đình mắc tiểu đường.

Dấu hiệu gai đen ở vùng cổ của trẻ mà phụ huynh cần lưu ý.
Hiện chưa có thống kê người mắc chứng gai đen vì đây là triệu chứng hay gặp ở nhiều nhóm bệnh nhân khác nhau. Có thể gặp ở nhóm người: Trẻ em và thanh thiếu niên bị thừa cân, béo phì; Người có tiền sử gia đình đái tháo đường; Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS); Người dùng một số thuốc lâu dài; Bệnh nhân có rối loạn nội tiết hoặc ung thư nội tạng (ở người lớn tuổi).
BS.CKI Trần Thị Vinh - Chuyên khoa Da liễu thẩm mĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết thêm, dấu gai đen cũng có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo nguy cơ tiểu đường và kháng insulin - dấu hiệu cảnh báo sớm tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2. Chúng cũng liên quan đến rối loạn về di truyền, bệnh tự miễn, ác tính hay do một số thuốc...
“Gai đen không phải là bệnh da thông thường, mà là dấu hiệu cảnh báo tình trạng rối loạn chuyển hóa đang xảy ra bên trong cơ thể, đặc biệt là đề kháng insulin – yếu tố nguy cơ sớm của đái tháo đường type 2; Ở trẻ em và người trẻ, dấu hiệu này nên được xem là tín hiệu cần điều chỉnh lối sống càng sớm càng tốt. Khi có những dấu hiệu của gai đen (da ở vùng cổ hoặc nách có biểu hiện thâm, sạm, thô ráp...không cải thiện dù tắm rửa sạch sẽ) nên đi khám nội tiết - chuyển hóa để kiểm tra chỉ số đường huyết và chức năng insulin”,- BS Vinh nói.
CN Nguyễn Thị Hường khuyến cáo: “Tuyệt đối không nên xem nhẹ biểu hiện của dấu gai đen, không nên chỉ bôi thuốc ngoài da mà bỏ qua thăm khám chuyên sâu; Nếu trẻ đang thừa cân, cần giảm cân đúng cách, hạn chế đồ ngọt, thức ăn nhanh, nước ngọt có gas, đồng thời tăng cường vận động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày. Khi cần thiết, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nội tiết hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có phác đồ can thiệp phù hợp.”
Mai Chi