Hiện nay, đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm gia tăng các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để hạn chế số ca mắc và không xảy ra dịch lớn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH từ đầu mùa mưa.
Người dân nâng cao ý thức phòng bệnh
Mùa mưa là điều kiện để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH, ý thức được vấn đề này nên người dân đã chủ động phòng, chống SXH bằng cách dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở và công cộng.
Chị Trịnh Thị Hà (40 tuổi, ở xã Xuân Đường, H.Cẩm Mỹ) cho hay, qua các kênh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị biết được sự nguy hiểm của SXH. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, chị thường xuyên súc rửa và đậy kín các lu chứa nước ở xung quanh nhà, sử dụng nhang xua muỗi, cho con mặc quần áo dài tay, dọn dẹp thông thoáng không để muỗi có nơi sinh sản.
Còn anh Phạm Bá Thuyên (42 tuổi, ở P. Trảng Dài, TP. Biên Hòa) cho biết, năm 2023, vợ anh đã từng bị SXH phải nhập viện điều trị. Qua đợt nằm viện này sức khỏe vợ anh yếu hẳn, phải mất nhiều thời gian ăn uống nghỉ ngơi sức khỏe mới ổn định lại. “Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, tôi luôn thực hiện đúng theo các khuyến cáo của ngành y tế như: dọn dẹp xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh và lật úp những đồ chứa nước để tránh lăng quăng, bọ gậy. Không chỉ riêng gia đình tôi thực hiện mà các hộ dân khác cũng vệ sinh dọn dẹp xung quan nhà cửa. Năm trước chỗ tôi ở có ca mắc SXH, nhưng năm nay chưa ghi nhận ca mắc nào” – anh Thuyên Nói.
Chuyên trách chương trình phòng chống SXH của Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ hướng dẫn người dân lật úp những dụng cụ chứa nước tại xã Long Giao.
Theo BS.CKI Đậu Ngọc Trung – Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP.Biên Hoà, để công tác phòng, chống dịch SXH mang lại hiệu quả, thì ý thức của người dân là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, hạn chế các ca mắc, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các địa phương triển khai nhiều hoạt động
BS Đậu Ngọc Trung cho hay, tính đến tháng 4-2024 tổng số ca SXH toàn TP.Biên Hòa là 156 ca, giảm 264 ca (61,19%) so với cùng kì năm 2023 (402 ca), tổng số ổ dịch (OD) được xử lý là 51 ổ, giảm 33 ổ (39,28%) so cùng kỳ 2023 (84 ổ). Mặc dù số ca mắc và số ổ dịch giảm hơn so với năm ngoái, tuy nhiên để chủ động phòng, chống SXH, hạn chế ca mắc, Trung tâm luôn xác định công tác phòng, chống SXH được thực hiện quanh năm.
Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống SXH năm 2024 và đã triển khai rộng rãi trên địa bàn TP. Biên Hòa. Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND thành phố hưởng ứng ra quân ngày ASEAN phòng, chống SXH, duy trì ngày thứ 7 xanh sạch đẹp, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động phòng bệnh, đặc biệt là sắp vào mùa mưa...
Còn tại H.Cẩm Mỹ, tính đến ngày 7-5, toàn huyện ghi nhận 83 ca mắc SXH và 8 OD, giảm 8 ca so với cùng kỳ năm 2023 (91 ca). Theo đánh giá số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp và có nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở một số xã trên địa bàn như: Xuân Đông (23 ca/3 OD), Xuân Đường (18 ca/3 OD), Xuân Tây (13 ca), Xuân Bảo (8 ca).
Người dân ở xã Xuân Đường, H. Cẩm Mỹ dọn dẹp các vật dụng chứa nước phòng, chống SXH.
Theo chuyên trách chương trình phòng chống SXH, khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS, Trung tâm y tế H. Cẩm Mỹ, nguyên nhân xã Xuân Đông có số ca mắc cao là do hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, máng thức ăn không được súc rửa thường xuyên, dẫn đến đọng nước. Còn các hố phân nước thải không thoát được nước dẫn đến ứ đọng làm cho lăng quăng trú ngụ và phát triển. Đối với xã Xuân Đường do các cống rãnh gần bìa lô cao su đọng nước không thoát được nước và đa số người dân ở ấp 1 đều là công nhân đi làm, nên không có thời gian dọn dẹp nhà cửa, súc rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên cũng là nơi cho lăng quăng phát triển.
Để giảm ca mắc SXH và không để dịch lớn xảy ra, Trung tâm đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch như: chiến dịch “Ngày cuối tuần phòng, chống SXH”; giám sát côn trùng trọng điểm hàng tháng tại xã Sông Ray… Phân công cán bộ giám sát, điều tra dịch tễ, diệt lăng quăng tại các xã trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch cao. Chỉ đạo Trạm y tế xã tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH, chủ động diều tra, xác minh ca bệnh phản hồi.
Song song đó là đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua nhiều kênh, hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn, tuyên truyền lưu động, tờ rơi, tờ gấp, băng rôn… Lồng ghép tuyên truyền trực tiếp về hoạt động phòng, chống SXH trong các buổi sinh hoạt, họp tổ dân phố của các đoàn thể, trường học, tổ chức xã hội và tại cộng đồng dân cư…
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) đã tổ chức giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống SXH tại các địa phương trên địa bàn tỉnh như: Giám sát xử lý ổ dịch; Lấy mẫu bệnh nhân SXH Denge đang điều trị tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện ĐKKV... và công tác nhập liệu các bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2025 của Bộ Y tế, đặc biệt là tại các phòng khám tư nhân trên địa bàn.
Theo báo cáo CDC Đồng Nai, cộng dồn số ca mắc từ đầu năm 2024 đến nay là 796 ca, giảm 43,79% so với cùng kỳ năm 2023 (1.416 ca). Tổng số ca tử vong là 1 ca, giảm so với cùng kỳ 2 ca. Tổng số OD được phát hiện là 219 OD, giảm 27,48% so với cùng kỳ (302 OD). Địa phương có số mắc cao là TP. Biên Hòa 165 ca, H. Long Thành 92 ca, H. Cẩm Mỹ 89 ca, H. Tân Phú 88 ca… |
Sao Mai