Sáng ngày 31-7, Sở Y tế Đồng Nai phối hợp Dự án USAID/PATH STEPS tổ chức Sơ kết hoạt động dự án giai đoạn từ tháng 10-2023 đến 6-2024 tại Đồng Nai. Tham dự cuộc họp có BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Dự án USAID/PATH STEPS.
64% khách hàng điều trị PrEP đến từ các phòng khám tư nhân
BS.CKI Vũ Thị Ngọc - Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa phòng, chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai cho biết, tính đến nay dự án USAID/PATH STEPS tỉnh Đồng Nai đạt 71% chỉ tiêu khách hàng PrEP theo hợp đồng với dự án. Cụ thể 10 phòng khám do dự án USAID/PATH STEPS tài trợ đã thu hút được 1.167 khách hàng dùng PrEP mới, nâng tổng số khách hàng sử dụng PrEP lên 2.940 khách hàng, trong đó phòng khám Glink có số khách hàng mới sử dụng dịch vụ PrEP cao nhất là 390 nâng tổng số khách hàng sử dụng PrEP của phòng khám lên 1.154 người. Qua điều tra thực tế tại các phòng khám, khách hàng sử dụng PrEP đồng tính nam chiếm 84%, độ tuổi từ 20-43 chiếm hơn 74%.
Quang cảnh buổi họp giữa Sở Y tế với dự án USAID/PATH STEPS và các đơn vị liên quan.
Điều đáng nói là sự đóng góp của phòng khám tư nhân vào chương trình PrEP tại Đồng Nai thời gian gần đây là rất lớn. Cụ thể, tính từ tháng 10/2019 đến tháng 6/2024 chiếm chỉ 53%, thì riêng 9 tháng từ tháng 10-2023 đến tháng 06-2024 là 64%, điều này thể hiện sự hỗ trợ của các dự án đã thúc đẩy sự tăng trưởng của các phòng khám tư ngày một mạnh hơn.
Mặc dù số lượng khách hàng dừng sử dụng PrEP khá cao trong 9 tháng đầu năm 2024 là 1.063 người, tuy nhiên đa phần những khách hàng dừng điều trị đều do không có yếu tố nguy cơ. Ngành y tế cùng với các phòng khám cũng đã cải thiện chất lượng phòng khám, cung cấp các dịch vụ, qua đó gần như 100% khách hàng khi sử dụng dịch vụ PrEP đều đánh giá rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ PrEP tại cơ sở.
Phát biểu tại cuộc họp, BS.CKII Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, qua 9 tháng triển khai thực hiện dự án cho đến nay các kế hoạch đều thực hiện đúng tiến độ, điều này được chứng minh thực tế qua các con số cụ thể. Với 1.167 khách hàng sử dụng PrEP mới trong 9 tháng qua, nâng tổng số khách hàng lên 2.960 người, trong đó tư nhân đóng góp 64% điều này thể hiện sự hỗ trợ của các dự án đã đạt được kết quả tốt.
Phát hiện 238 bệnh nhân nhiễm HIV mới
Cũng theo BS.CKII Nguyễn Văn Bình, mặc dù kết quả đạt được từ các chương trình phòng chống về HIV/AIDS đều khả quan, tuy nhiên từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện thêm 238 bệnh nhân nhiễm HIV mới, điều này cũng là thách thức của ngành y tế. Với một tỉnh có sự phát triển về các khu công nghiệp cao, các trường học cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn cũng nhiều, tạo nên một nguồn dân cư di biến động lớn, điều này đòi hỏi ngành y tế phải có nhiều mô hình, chiến lược mới phù hợp thực tế với địa bàn của tỉnh.
BS Vũ Thị Ngọc cho biết, thời gian vừa qua dưới sự hỗ trợ của các dự án, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình phòng chống HIV, trong đó chương trình Hoạt động truyền thông tạo cầu và nâng cao năng lực được ngành y tế chú trọng. Tổ chức PrEP lưu động hướng tới các đối tượng có nhu cầu như học sinh, sinh viên. Từ tháng 10-2023 đến tháng 6-2024, ngành y tế đã tổ chức được 29 đợt truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, trung học, các nhà máy, xí nghiệp, khu nhà trọ công nhân…thu hút hơn 4,5 ngàn người tham dự, trong đó có gần 500 người được tư vấn về xét nghiệm HIV và 416 người tư vấn điều trị PrEP và đã có 316 người đồng ý sử dụng PrEP. Triển khai chương trình tự xét nghiệm HIV tại nhà (còn gọi Chiến dịch “Tự xét nghiệm khó, đã có CheckNOW”), kết quả đã có 1.940 bộ kit tự xét nghiệm HIV CheckNOW được đưa vào thị trường bởi các phòng khám và các doanh nghiệp xã hội do STEPS hỗ trợ, trong đó 1.586 bộ kit đã được bán.
Thời gian tới, ngành y tế phối hợp các phòng khám tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xã hội, tổ chức các sự kiện về HIV/AIDS, giám sát các hoạt động PrEP lưu động…
Dự án USAID/PATH STEPS ký với Sở Y tế Đồng Nai tính từ ngày 12/5/2023 – 30/09/2024 với tổng kinh phí 1,992,394,000 VND gồm các chương trình: Hỗ trợ các phòng khám công PrEP (Long Thành & Biên Hòa); Họp giao ban, sơ kết và hội thảo tổng kết; Hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn và sự kiện truyền thông; Tập huấn về PrEP; Hỗ trợ các chuyến giám sát cải thiện chất lượng liên tục (dịch vụ và số liệu); Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân; Hỗ trợ công tác quản lý, điều phối và tham vấn kỹ thuật.
Thanh Tú