Sáng 24-5, BS.CKII Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai đã chủ trì Hội nghị giao ban toàn ngành Y tế tháng 5/2024.

BS.CKII Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị giao ban toàn ngành Y tế tháng 5/2024.
Hội nghị đã nghe báo cáo, kiến nghị của các đơn vị về công tác đầu tư, quản lý, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong tháng 5/2024. Trong đó, nổi bật là các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cấp cứu nạn nhân bị tai nạn lao động, phòng chống dịch bệnh.
Về công tác ATVSTP, trong 5 tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 650 người mắc, không có ca tử vong. Từ các vụ ngộ độc, Sở Y tế cũng đã họp để rà soát và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, thời gian qua, các địa phương gặp khó khăn trong việc xác định như thế nào là các cơ sở thức ăn đường phố để cấp phép kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, do đó, vấn đề quản lý ATTP đường phố vẫn còn những lỗ hổng. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần thường xuyên cập nhật tình hình kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn để kịp thời cấp giấy chứng nhận ATTP và theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp hiện cũng còn hạn chế do vướng các quy định và chồng chéo giữa ngành. Trong khhi đó, đây là khu vực nguy cơ cao xảy ra ngộ độc tập thể.

Ông Nguyễn Đình Minh – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Các địa phương cũng kiến nghị cần có cán bộ chuyên trách về công tác ATVSTP, do hiện nay, phòng y tế các huyện đang thiếu cán bộ chuyên trách về công tác ATVSTP.
Liên quan đến cấp cứu, điều trị cho người bị ngộ độc do ăn bánh mì tại Long Khánh, BS.CKII Lê Quang Trung cho biết, Sở Y tế sẽ có đề xuất UBND tỉnh khen thưởng đối với Bệnh viện ĐKKV Long Khánh và BV Nhi đồng Đồng Nai vì đã kịp thời cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân vụ ngộ độc không để xảy ra trường hợp tử vong.
Cũng theo BS.CKII Lê Quang Trung, liên quan đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Công Ty Gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu), khi xe cấp cứu của bệnh viện đến thì cả 5 nạn nhân đều đã tự đi cấp cứu. Từ thực tế này, thời gian tới Sở Y tế sẽ nghiên cứu tổ chức Trung tâm cấp cứu 115 với các trạm trung chuyển đặt tại các địa phương để có thể kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân khi xảy ra tai nạn, thiên tai, dịch bệnh.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, TS.BS Trần Minh Hòa – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ca ho gà, tăng 1 ca so với năm ngoái. Đáng chú ý, từ năm 2010, uốn ván sơ sinh đã được loại trừ nhưng năm nay đã quay trở lại với 1 ca uống ván sơ sinh tử vong và ghi nhận 4 ca uốn ván khác. Nguyên nhân là do suốt thời gian COVID-19 và hậu COVID-19, một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng khan hiếm nên không bao phủ được hết.
Về bệnh chân tay miệng, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 1.600 ca mắc, tăng hơn 120% so với cùng kỳ 2023. Về sốt xuất huyết, ghi nhận hơn 900 ca, giảm 39% so với năm trước, trong đó có 1 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa nên dự báo số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, BS.CKII Lê Quang Trung nhấn mạnh, thời gian tới, về công tác dự phòng, các đơn vị, địa phương cần chủ động, tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh theo mùa và một số bệnh quay trở lại do thời gian qua thiếu vắc xin, không để dịch bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng.
Về công tác chuyên môn và điều trị tại các bệnh viện, Sở Y tế hoan nghênh hoạt động phối hợp hỗ trợ hiệu quả giữa Bệnh viện ĐK Thống Nhất và Bệnh viện Nhi trong cấp cứu trường hợp sản phụ bị suy hô hấp nặng vừa qua. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ từng khu vực, từng đơn vị để nâng cao công tác chuyên môn và cơ sở vật chất phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Riêng về công tác cán bộ, các đơn vị cần chủ động rà soát công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, quản lý cán bộ nhân viên đảm bảo giờ giấc làm việc, thực hiện nghiêm các qui định về công chức, công vụ.
Về ATVSTP, đây là công tác đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Trong đó, ngành Y tế chịu trách nhiệm chính về điều tra, xử lý các vụ ngộ độc, khám chữa bệnh cho người bị ngộ độc, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần hiểu đúng chức năng nhiệm vụ của mình để có giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thiên Thanh