CTXH là một nghề tuy còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong các lĩnh vực của xã hội, đặc biệt đối với ngành y tế. Hoạt động CTXH dù ra đời chưa lâu nhưng đã góp phần giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đồng thời hỗ trợ nâng cao chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
Chia sẻ khó khăn với người bệnh
Đang chăm sóc chồng điều trị tại Khoa hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện ĐK Đồng Nai, bà Trần Thị Tuyết Oanh (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) cho biết, hơn một tháng nay, chồng bà nằm tại Khoa tích cực chống độc với nhiều bệnh tật như phổi trắng, tiểu đường… Gia đình ông bà neo người, một mình bà chăm sóc ông.
“Tôi luôn nhận được sự thăm hỏi động viên từ những điều dưỡng trong khoa, đợt rồi bệnh viện tổ chức Ngày CTXH Việt Nam tôi được nhận 2 phần quà, trong đó có một chiếc xe lăn”, - bà Oanh chia sẻ trong sự cảm động.
Hay như cuối năm 2023, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 4 nạn nhân và miễn phí phần viện phí hơn 200 triệu đồng cho 4 nạn nhân này.
Anh Lê Đình Hạnh – Phụ trách Phòng CTXH của Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động, phòng CTXH đã trở thành điểm tựa cho rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, qua đó mang lại tinh thần lạc quan cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Với những bệnh nhân nghèo, không nơi nương tựa vào đây, phòng thường xuyên quan tâm động viên, qua đó tìm hiểu hoàn cảnh từng bệnh nhân rồi tìm nhiều nguồn vận động từ các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí điều trị. Với những người vô gia cư, Bệnh viện liên hệ các mái ấm, Trung tâm CTXH tỉnh để họ có nơi nương tựa.
Tặng xe lăn cho bệnh nhân nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam.
“Hoạt động CTXH trong bệnh viện là để hỗ trợ người bệnh và nhân viên y tế trong giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của người bệnh nằm nội trú như: bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội; cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh; hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn…hướng tới góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh”, - anh Hạnh nói.
Tổ chức các hoạt động khoa học
BS.CKII Ngô Đức Tuấn – Giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai chia sẻ, với những đơn vị điều trị tuyến tỉnh như Bệnh viện ĐK Đồng Nai, nhiệm vụ của bệnh viện là cứu người, tuy nhiên, điều trị phải gắn với CTXH và ngược lại. Xuất phát từ ý tưởng đó, tại bệnh viện Đồng Nai đã phát động phong trào công tác xã hội trong toàn thể nhân viên. Đến nay, Bệnh viện đã có phòng CTXH, có đội ngũ làm CTXH chuyên nghiệp là bộ khung và mạng lưới những người làm CTXH tại các khoa trại điều trị. Với hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, khoa học của phòng CTXH bệnh viện đã làm tròn nhiệm vụ kết nối nhiều người, nhiều mạnh thường quân cùng chí hướng là hỗ trợ người nghèo, bệnh nhân hiểm nghèo và người thân của họ.
“CTXH ở bệnh viện khó hơn ở những lĩnh vực khác. Đơn cử như việc phát cơm tại bệnh viện. Câu hỏi lớn được đặt ra là lương thực đó có phù hợp với bệnh nhân hay không? Có vấn đề gì trong quá trình chế biến, hay cách chế biến phù hợp? Nếu không may xảy ra ngộ độc tập thể thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Cho nên, CTXH phải làm cho bài bản, từ việc lưu mẫu cơm từ thiện, xét nghiệm mẫu và ai được sử dụng nguồn cơm đó. Làm đúng, làm một cách có khoa học, làm có hiệu quả và trong khuôn khổ của pháp luật đối với phòng CTXH trong bệnh viện”.
Cùng chia sẻ về vai trò của CTXH bệnh viện, PGS-TS Huỳnh Văn Tới – Nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho hay: “Lương y như từ mẫu, bệnh viện là nơi không chỉ chữa bệnh về cơ thể thể mà còn chăm sóc đời sống tinh thần cho người bệnh, người nhà của bệnh nhân. Lấy cảm xúc của người bệnh để chăm sóc kỹ càng, chu đáo, thăm hỏi động viên để người bệnh cảm thấy ấm lòng khi được chia sẻ”.
Hiệu quả từ những hoạt động của CTXH bệnh viện được minh chứng bằng việc ngày càng nhiều bệnh nhân nghèo, người nhà được hỗ trợ, được chia sẻ. Kết nối được nhiều mạnh thường quân hơn, đó là sự kết nối tình thương, kết nối của trách nhiệm.
Mai Liên