Phát triển kỹ thuật cao, làm chủ kỹ thuật chuyên sâu không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu sống còn trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tại Đồng Nai, những năm gần đây, hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi liên tục tiếp nhận, ứng dụng và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được cứu sống kịp thời, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên và khẳng định năng lực ngày càng vững chắc của y tế tỉnh nhà.

Bài 1: “Hồi sinh” nhiều ca bệnh nhi nguy kịch

Là bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn chú trọng ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Đặc biệt trong lĩnh vực hồi sức, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại như: thở máy, lọc máu hấp phụ, hạ thân nhiệt chỉ huy, đo cung lượng tim… Nhờ đó, đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch, có tiên lượng tử vong rất cao, mang lại hy vọng sống cho nhiều trẻ em và gia đình.

Ứng dụng kỹ thuật cao, dốc sức cứu chữa cho các ca bệnh nặng 

Khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ) Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là nơi tập trung điều trị cho những ca bệnh nặng nhất của bệnh viện. Khoa được giao chỉ tiêu 28 giường bệnh, nhưng ThS.BS Phạm Thị Kiều Trang, Phụ trách Khoa HSTCCĐ cho biết, có những thời điểm số lượng bệnh nhân khoa tiếp nhận điều trị trên 30 ca, thậm chí lên tới 40 ca/ngày. Các mặt bệnh cũng đa dạng, như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm phổi, sốc nhiễm trùng, sốc tim, tổn thương đa cơ quan…, trong đó có nhiều ca phải điều trị lọc máu, thở máy.   

Để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, khoa đã triển khai các kỹ thuật cao, trong đó phải kể đến các kỹ thuật hiện đại như như hạ thân nhiệt chỉ huy, thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, đo cung lượng tim… Khoa cũng đang hợp tác với bệnh viện tuyến trên để triển khai lọc máu ngoài cơ thể (ECMO). Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng được khoa quan tâm, cử đi đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn do bệnh viện và tuyến trên tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công việc.

Nhờ đó, trong thời gian qua khoa đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng, đặc biệt là các ca sốc nhiễm khuẩn, sởi biến chứng nặng, sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm, đuối nước, điện giật hay những ca bệnh đã ngưng tim ngưng thở…

Có thể kể đến trường hợp bệnh nhi D.T.V., (13 tuổi, ngụ ở xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) bị sét đánh ngưng tim, ngưng thở 15 phút ngoại viện, tưởng chừng không qua khỏi, nhưng đã được các y, bác sĩ áp dụng các kỹ thuật cao cứu sống thành công vào hồi tháng 8-2024.

“Khi tiếp nhận trường hợp này, chúng tôi lập tức hội chẩn, bắt tay ngay vào điều trị và áp dụng những kỹ thuật cao cấp nhất điều trị cho bệnh nhân. Trong đó kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật cao cấp nhất hiện nay đối với hồi sức nhi. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh, ngưng máy thở, não phục hồi, tri giác tốt, gần như không có di chứng và được ngưng máy hạ thân nhiệt” – BS Trang nhớ lại.

Bệnh nhân bị sét đánh ngưng tim 15 phút ngoại viện được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cứu sống ngoạn mục.

Hay như mới đây, bệnh nhi H.A (ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng, tổn thương đa cơ quan, SXHD thể não nặng đã được các y, bác sĩ tích cực cứu chữa. 

“Bệnh nhi được điều trị chống sốc, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, theo dõi huyết động bằng phương pháp PiCCO. Trong quá trình điều trị bé bị bội nhiễm, thời gian vô niệu khá dài khoảng 20 ngày, men gan tăng cao lên tới 14 ngàn UI/L; nên bé phải điều trị cả thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế, chi phí rất cao. Rất may bệnh viện đã kết nối được với các mạnh thường quân giúp đỡ một phần. Sau gần 2 tháng được theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhi hồi phục gần như hoàn toàn”- BS Trang cho biết. 

Khoa Hồi sức tích cực chống độc áp dụng kỹ thuật thở máy để cứu chữa cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng.

Khoa HSTCCĐ có 11 bác sĩ, 30 điều dưỡng. Tuy nhiên hiện nay do lượng bệnh nhân đông, nên nhân lực ở khoa thiếu, các y bác sĩ trong khoa phải thay nhau gồng gánh. “Điều dưỡng phải đi tua 3 nên rất vất vả, mà nhân lực tăng cường cho Khoa Hồi sức tích cực chống độc rất khó vì đòi hỏi các điều dưỡng phải nắm được các kỹ thuật chuyên sâu hơn so với các khoa khác”- BS Trang nêu lên một số khó khăn.  

Có thâm niên 12 năm công tác ở Khoa HSTCCĐ, điều dưỡng Trần Thị Quế Chi chia sẻ: “Bệnh nhi ở khoa hầu như được các điều dưỡng chăm sóc toàn diện và theo dõi diễn biến bệnh hàng ngày để kịp thời phát hiện các chuyển biến nặng để báo bác sĩ can thiệp kịp thời. Nhìn các bé bị bệnh nặng hồi phục trở về với gia đình, bản thân tôi rất vui, nên luôn tự dặn mình phải cố gắng làm tốt công việc để cùng khoa giúp cho các bệnh nhi mau hồi phục”.

Theo BS Trang, để cứu chữa hiệu quả cho các ca bệnh nặng, ngoài sự tận tâm với người bệnh, khoa luôn chú trọng cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ. Khoa thường xuyên cử bác sĩ, điều dưỡng đến các bệnh viện tuyến trên để đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật mới. Hiện tại, khoa đang cử nhân lực đi học về kỹ thuật ECMO, với mục tiêu sớm triển khai tại bệnh viện, mở ra cơ hội cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch hơn trong thời gian tới.

Nâng niu sự sống trẻ sinh non

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh (HSTCSS) trung bình mỗi tháng tiếp nhận 90-95 trẻ sơ sinh, trong đó có sơ sinh non tháng, sơ sinh đủ tháng bị các bệnh lý, đa dị tật. Trong số này, có khoảng 40% trẻ sinh non và cực non.

Để điều trị hiệu quả và tránh lây nhiễm chéo, khoa đã phân cấp bệnh nhân theo 4 phòng: sơ sinh non và cực non; sơ sinh đủ tháng (mắc bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, bệnh lý ngoại khoa); phòng hồi sức 3 tập trung những bệnh nhiễm, bệnh lây truyền; phòng bán hồi sức là những bé đã được điều trị tương tối ổn định, người thân được phép vào chăm sóc. 

BS.CKI Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Khoa HSTCSS cho biết, tùy theo tình trạng bệnh nhân mà mỗi bé được chăm sóc, điều trị theo phác đồ khác nhau. Ví dụ như, những trẻ sinh non tháng có chế độ chăm sóc riêng, được nằm trong lồng kính, có những bé quá non cho thở máy xâm lấn, hoặc thở máy không xâm lấn, thở CPAP và phác đồ áp dụng điều trị cho bé thường là của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP.HCM.  

Song song đó, khoa cũng được trang bị những trang thiết bị, máy móc nuôi trẻ sơ sinh cực non như: lồng ấp, máy thở tần số cao, máy thở xâm lấn và máy thở không xâm lấn, CPAP…; đảm bảo đủ thuốc men, vitamin tổng hợp, sữa năng lượng cao…để nuôi trẻ.

“Khoa đã điều trị được cho những trẻ bị bệnh lý nặng, suy hô hấp, uốn ván sơ sinh tưởng chừng không qua khỏi, đặc biệt trong đó có nhiều trẻ tuổi thai quá nhỏ, có trẻ chỉ nặng 600gr -700gr đã được nuôi sống thành công”- BS Giàu cho hay.

Nhớ lại ca điều trị uốn ván cho bé gái T.T.H (4 ngày tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) thành công cách đây 2 năm, BS Nguyễn Thị Huế, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, cho biết: “Bé H. được chuyển lên khoa trong tình trạng co giật nhiều, gồng cứng toàn thân – biểu hiện của uốn ván sơ sinh. Nhận định đây là ca bệnh phức tạp, chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viên Nhiệt đới TP.HCM. Sau hội chẩn, bé được điều trị tích cực gồm: thở máy, thuốc chống co giật, kháng sinh, thuốc trung hòa độc tố uốn ván và xử lý vết thương rốn. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhi diễn tiến nặng do nhiễm trùng huyết, viêm phổi, đòi hỏi các bác sĩ phải sử dụng phối hợp kháng sinh theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Sau gần 2 tháng điều trị, bé H. đã tự thở, tỉnh táo, ngưng dùng kháng sinh, tuy chưa bú hoàn toàn và còn tăng trương lực cơ. Các bác sĩ và điều dưỡng tiếp tục theo dõi sát, hỗ trợ phục hồi chức năng và tập bú cho bé.

“Ở đây tần suất gặp uốn ván sơ sinh rất thấp, nhưng bệnh này tỷ lệ tử vong cao từ 80-90%. Trước đây, bệnh viện từng tiếp nhận một vài ca nhưng phải chuyển lên tuyến trên. Đây là lần đầu tiên chúng tôi điều trị thành công, tạo  một dấu mốc quan trọng, giúp các bác sĩ thêm tự tin giữ lại điều trị những ca khó”,- BS Huế chia sẻ.

Điều dưỡng chăm sóc cho bé H. bị uốn ván sơ sinh được cứu sống thành công.

Việc tiếp nhận điều trị cho những ca sơ sinh non cũng được khoa chuẩn bị rất chu đáo. Khi tiếp nhận thông tin từ các bệnh viện khác sẽ có trường hợp trẻ sinh non được đưa vào Khoa HSTCSS, lúc này kíp trực ở khoa đã chuẩn bị sẵn lồng ấp, máy thở, để việc điều trị cho hiệu quả cao. Các bác sĩ cũng thực hiện bơm Surfactant sớm để hỗ trợ cho phổi của trẻ nở ra và trao đổi ô xy được tốt hơn. Bên cạnh đó sẽ làm tĩnh mạch rốn để nuôi dưỡng em bé; sau đó mới lấy máu xét nghiệm để kiểm tra.

“Hiện tại khoa đang nuôi những bé rất non, có những bé khoảng 25-26 tuần tuổi. Nuôi những bé này rất khó, mình phải tạo môi trường cho em bé như ở trong bụng mẹ và phải tính dinh dưỡng cho em bé mỗi ngày”- BS Giàu cho biết thêm. 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Lam cũng chia sẻ, môi trường làm việc ở Khoa HSTCSS chuyên biệt, các bé cũng được chăm sóc chuyên biệt hơn so với các bé lớn, đòi hỏi các điều dưỡng luôn học hỏi để nâng cao kiến thức. Hiện tại, điều dưỡng ở khoa hầu như đã thực hiện được các kỹ thuật: đặt carather tĩnh mạch trung tâm; lắp máy, test máy, vận hành các dòng máy thở; hỗ trợ bác sĩ đặt tĩnh mạch rốn, đặt nội khí quản; đặt carather tĩnh mạch cảnh… 

Một bệnh nhi bị suy hô hấp nặng được tập thể Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cứu sống và đang  được điều dưỡng tập cho bú sữa bình.

“Bệnh nhi ở khoa hầu như toàn là bệnh nặng, các bé sơ sinh non, cực non sức đề kháng rất yếu, việc chăm sóc rất cực và phải chăm sóc toàn diện. Các bé chưa nói được, nên chúng em chỉ quan sát qua hành động, cử chỉ để theo dõi sức khỏe của từng bé. Có những đêm bệnh đông, chúng em chia nhau trực gác, chỉ chợp mắt 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu gặp phải ca sốc, hầu như cả tua trực thức trắng đêm để cấp cứu cho bệnh nhân” - điều dưỡng Lam kể lại.

Mặc dù công việc nhiều áp lực, vất vả, nhưng những bác sĩ, điều dưỡng ở nơi “đầu sóng ngọn gió” của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vẫn không kể ngày hay đêm đều luôn tận tâm, tận lực, nỗ lực nâng cao tay nghề, ứng dụng các kỹ thuật cao để dành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Với họ niềm vui lớn nhất đó là thấy bệnh nhân của mình khỏe mạnh, là nụ cười kèm lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của các bậc phụ huynh khi đón các con về với gia đình.

Như Thuần

Share with friends

Bài liên quan

Bài 3: Chuẩn hóa xét nghiệm phục vụ người bệnh tốt hơn
Trung tâm Y tế H.Trảng Bom sẽ được chuyển giao nhiều kỹ thuật mới trong năm 2025
Không tự ngồi và đi được do xuất huyết não, sau gần 1 tháng điều trị bệnh nhân trở lại bình thường
Cắt bỏ thành công khối bướu thận nặng 0,6 kg
Đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu trong dịp nghỉ lễ
Bệnh viện Đồng Nai 2 triển khai dịch vụ tán sỏi ngoài cơ thể
Đồng Nai sẽ tiêm vắc xin 5 trong 1 trở lại
Năm 2024, Đồng Nai phấn đấu đạt 9,7 bác sĩ/vạn dân
Phẫu thuật thành công u phì đại lớn gấp 9 lần tuyến tiền liệt
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về phòng chống HIV/AIDS
Bệnh viện ĐKKV Long Khánh nối thành công ngón tay bị đứt lìa cho 2 bệnh nhân
Bệnh viện ĐKKV Long Khánh cấp cứu thành công hai bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp
CDC Đồng Nai đáp ứng đủ vắc xin, kể cả các vắc xin dịch vụ khan hiếm trước đây
Thu hồi toàn quốc lô thuốc viên nén bao tan trong ruột Rabesta 20 không đạt chất lượng
1

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Bao dong nai
BAO TIN TUC TTXVN