[Loạt bài: Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Gieo kỹ thuật cao, gặt “quả ngọt”]
Việc ứng dụng kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã mang lại những “quả ngọt” rõ rệt. Nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, cận kề “cửa tử” đã được cứu sống ngoạn mục nhờ triển khai kịp thời các kỹ thuật chuyên sâu. Những thành quả này không chỉ minh chứng cho trình độ chuyên môn vững vàng của đội ngũ y bác sĩ, mà còn khẳng định bước tiến trong chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương, tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng người dân.
Bệnh nhân thoát liệt tứ chi nhờ thay huyết tương
Mới đây, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai thành công kỹ thuật thay huyết tương, cứu bệnh nhân L.T.T., (70 tuổi, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) thoát cảnh liệt tứ chi.
Trước đó, vào ngày 22-2-2025, bệnh nhân L.T.T., nhập viện cấp cứu trong tình trạng yếu liệt tứ chi tiến triển nhanh, rối loạn nuốt.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị liệt tứ chi do hội chứng Guillain – Barré (viêm đa dây thần kinh cấp tính), kèm tăng huyết áp, di chứng nhồi máu não, rối loạn chuyển hóa lipid và rối loạn giấc ngủ.
Nhận định đây là ca bệnh nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ bị suy hô hấp, BS.CKII Nguyễn Đình Thái - Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục cận lâm sàng, phối hợp cùng Khoa Hồi sức tích cực chống độc triển khai phương án thay huyết tương cấp cứu cho bệnh nhân.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Khoa Huyết học – truyền máu của bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành thay huyết tương cho bệnh nhân liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày truyền 20 đơn vị huyết tương. Đây là phương pháp điều trị quan trọng, giúp loại bỏ các kháng thể tấn công hệ thần kinh, ngăn chặn tình trạng liệt tiến triển.
Sau 5 ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, bệnh nhân dần phục hồi, có thể cử động tay chân, cải thiện chức năng nuốt và giao tiếp tốt hơn. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn.

Bà L.T.T thoát liệt tứ chi nhờ kỹ thuật cao thay huyết tương điều trị căn bệnh Guillain-Barré hiếm gặp.
Chia sẻ với phóng viên, bà L.T.T xúc động cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ bị tê nhẹ ở bàn chân, sau đó liệt cả hai chân, không đi được. Nhờ được các bác sĩ cấp cứu và điều trị kịp thời, giờ tôi đã có thể đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Tôi rất biết ơn các bác sĩ”.
BS.CKII Nguyễn Đình Thái - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, Guillain-Barré là bệnh lý hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1/100.000 người mỗi năm. Hiện nay có hai phương pháp điều trị đặc hiệu là truyền globulin miễn dịch (IVIG) và thay huyết tương (Plasma Exchange - PEX).
Tuy nhiên, IVIG đang khan hiếm tại Việt Nam, chi phí lại cao, do đó thay huyết tương trở thành phương pháp điều trị hiệu quả và thiết thực nhất hiện nay.
Thay huyết tương là quá trình thay thế lượng huyết tương trong cơ thể người bệnh bằng lượng tương đương từ nguồn huyết tương khác. Thông qua hệ thống máy lọc, máu sẽ được dẫn ra ngoài để loại bỏ huyết tương cũ thay thế bằng dung dịch albumin hoặc huyết tương mới, với mục đích loại bỏ các kháng thể gây bệnh.
Đây là một kỹ thuật cao, đòi hỏi máy lọc máu hiện đại và bác sĩ có kinh nghiệm. Kỹ thuật này đã được Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất triển khai khai từ cuối năm 2024 và điều trị thành công cho nhiều trường hợp.
“Trước đây, khi có ca bệnh cần thay huyết tương, chúng tôi buộc phải chuyển tuyến trên. Nhưng hiện nay, với sự đầu tư về máy móc và đào tạo đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, bệnh viện đã chủ động triển khai kỹ thuật này, giúp bệnh nhân tăng cơ hội sống và tiết kiệm thời gian, chi phí điều trị, thăm nuôi do không phải đi xa” - BS Thái cho biết.
Phẫu thuật cấp cứu ca đứt động mạch cảnh nguy kịch
Ngày 24-2-2025, anh P.L.A.K. (30 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bị tai nạn lao động cực kỳ nguy hiểm. Anh K. bị một vật cứng đâm vào cổ khiến máu chảy dữ dội, phun ra thành từng tia lớn. Sau khi được sơ cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, kích thích, vã mồ hôi, da tái nhợt.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu sốc mất máu, có vết thương khoảng 2cm ở bên cổ phải, nghi ngờ đứt động mạch cảnh chung bên phải.
Nhận định ca bệnh có nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ Khoa Cấp cứu của bệnh viện lập tức kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động toàn bộ ê kíp để điều trị cho bệnh nhân sớm nhất.
BS Đinh Văn Trường, Khoa Ngoại lồng ngực – Tim mạch, Bệnh viện ĐK Thống Nhất cho biết, bệnh nhân nhanh chóng được đưa lên phòng mổ chỉ sau khoảng 5 phút nhập viện. Các vấn đề về thủ tục, giấy tờ được thực hiện sau.
Ê kíp phẫu thuật đã thực hiện ca phẫu thuật trong vòng 2 giờ đồng hồ, tiến hành lấy dị vật trong vùng cổ của bệnh nhân, đảm bảo không còn nguy cơ gây tổn thương. Sau đó khâu nối động mạch cảnh chung bên phải. Trong quá trình mổ và sau mổ, bệnh nhân được truyền 3 khối hồng cầu và 2 đơn vị huyết tương đông lạnh để bù đắp lượng máu đã mất.
Sau ca mổ, bệnh nhân dần hồi phục với chỉ số sinh tồn ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Trường, động mạch cảnh là động mạch chính ở cổ, cung cấp máu cho não, mặt và cổ. Mỗi người có hai động mạch cảnh chung, nằm ở mỗi bên cổ, gồm: động mạch cảnh chung trái và động mạch cảnh chung phải. Trường hợp bệnh nhân K. bị tổn thương động mạch phải cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ tử vong do mất máu quá nhiều.
“Đối với những ca bệnh thế này đòi hỏi người bác sĩ chẩn đoán chính xác và phải xử lý thật nhanh, đồng thời phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu. Bệnh nhân này rất may mắn đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, hiện nay tình trạng bệnh nhân đã khỏe, có thể ngồi dậy ăn uống, về phần tay phải có tê cứng do dây thần kinh chèn, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu khoảng 6 tháng thì bàn tay hoàn toàn trở lại bình thường” – BS Trường thông tin thêm.

Bệnh nhân P.L.A.K. hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật và có thể ngồi dậy tự ăn uống.
Chị T.M., người nhà bệnh nhân cho biết: “Khi nghe tin cháu gặp tai nạn lao động và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cả gia đình vô cùng lo lắng. Lúc chúng tôi đến nơi, cháu đã được các y bác sĩ tiếp nhận, cấp cứu và nhanh chóng chuyển vào phòng mổ khẩn cấp. Bác sĩ nói nếu chỉ chậm thêm 5 phút thôi là có thể không giữ được tính mạng. Rất may, ca mổ thành công và sức khỏe của cháu giờ đã ổn định. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn tập thể y bác sĩ của bệnh viện vì sự tận tâm và nhanh chóng ấy đã cứu sống cháu.”
“Hồi sinh” bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã ứng dụng thành công kỹ thuật can thiệp mạch não và điều trị thuyên tắc phổi cứu sống ngoạn mục một trường hợp bị hai bệnh lý cực kỳ nguy hiểm: nhồi máu não do tắc mạch lớn và ngưng tuần hoàn hô hấp do thuyên tắc phổi.
Đó là ông H.Q.S. (53 tuổi, ngụ phường Trảng Dài), ông nhập viện với các dấu hiệu điển hình của đột quỵ: yếu liệt nửa người bên phải, méo miệng, nói khó. Kết quả chụp MRI cho thấy ông bị nhồi máu não bán cầu trái do tắc động mạch não giữa bên trái. Ngay lập tức, bệnh nhân được can thiệp mạch để lấy huyết khối. Nhờ đó, tình trạng yếu liệt cải thiện rõ rệt sau can thiệp.
Tuy nhiên, một biến cố nghiêm trọng xảy ra hai ngày sau, đó là ông S. đột ngột ngưng tim, ngưng thở. BS.CKII Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội Thần kinh, cho biết ê-kíp đã khẩn trương hồi sinh tim phổi nâng cao. Sau 20 phút, bệnh nhân có nhịp tim trở lại và sinh hiệu dần ổn định.
“Chúng tôi thực sự chạy đua với thời gian. Các kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi hai bên, gây ra tình trạng ngưng tuần hoàn. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không xử trí kịp”, - bác sĩ Thái chia sẻ.

BS.CKII Nguyễn Đình Thái, Trưởng khoa Nội Thần kinh thăm khám cho bệnh nhân S.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị nâng cao. Sau 3 ngày điều trị thở máy, vận mạch, kháng đông và các loại thuốc khác, bệnh nhân tỉnh lại, tiếp xúc tốt, tự thở, ngưng được thuốc vận mạch và được chuyển về Khoa Nội Thần kinh điều trị tiếp.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện. Sau gần nửa tháng điều trị tích cực, ông S. hồi phục tốt, tỉnh táo, có thể đi lại, sinh hoạt gần như bình thường. Trong lần tái khám gần đây, ông cho biết mình đã trở lại với công việc nhẹ và sinh hoạt hàng ngày.
BS.CKII Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, việc triển khai ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh tại bệnh viện mang lại hiệu quả lớn, giúp cứu sống nhiều trường hợp rất nguy kịch, chữa thành công các ca bệnh hiếm, bệnh khó. Đặc biệt, góp phần cấp cứu thành công các trường hợp cấp cứu hàng loạt do tai nạn lao động, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
“Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế của các khoa, phòng luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, thuốc men cần thiết để phục vụ công tác cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân trong các trường hợp khẩn cấp. Mục đích cao nhất là cứu sống người bệnh qua cơn nguy kịch, giúp họ sớm trở về với cuộc sống đời thường” - BS Quang chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai – BS.CKII Nguyễn Văn Bình nhận xét: “Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là một trong hai bệnh viện hạng I được xếp loại chuyên sâu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã chủ động, tích cực và luôn tiên phong triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, trong đó có nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở tuyến trung ương. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Với sự phát triển đồng bộ cả về chuyên môn, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân lực, bệnh viện đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu, hiện đại của tỉnh Đồng Nai”.
Thanh Tú – Gia Nhi