Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 09 tháng 01 năm 2023. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Theo đó, tại Điều 40 quy định, người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 của Luật này không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện ĐK Đồng Nai đang phẫu thuật cho bệnh nhân có khối u trung thất nặng 2,5kg.
Trong khi đó, Điều 32 Luật Khám, chữa bệnh 2009 chỉ quy định 2 trường hợp từ chối khám bệnh, chữa bệnh:
1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Như vậy Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023đã bổ sung thêm các trường hợp từ chối khám chữa bệnh từ 01/01/2024.
Thay đổi đối tượng ưu tiên trong khám chữa bệnh từ 01/01/2024
Khoản 4 Điều 3 Luật Khám chữa bệnh cũ (2009), ưu tiên khám chữa bệnh với các đối tượng:
“4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
Còn theo khoản 2 Điều 3 Luật khám chữa bệnh 2023, thì các đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh đã được thay đổi so với hiện hành cụ thể gồm các trường hợp: Người bệnh trong tình trạng cấp cứu; Trẻ em dưới 06 tuổi, phụ nữ có thai; Người khuyết tật đặc biệt nặng; Người khuyết tật nặng;
Người từ đủ 75 tuổi trở lên; Người có công với cách mạng.
Như vậy Luật khám chữa bệnh mới quy định rõ trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng đều được ưu tiên trong khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, thay đổi độ tuổi của người cao tuổi trong ưu tiên từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Có nghĩa từ 01/01/2024, người từ 75 tuổi trở lên được ưu tiên khám, chữa bệnh thay vì 80 tuổi như hiện hành.
Bích Ngọc