Hành động nhỏ mang lại hiệu quả lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh đó chính là rửa tay. Rửa tay với xà phòng và nước sạch là việc làm không mất nhiều thời gian, ít tốn kém chi phí nhưng giúp giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, vi rút, vốn là nguyên nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm đang phổ biến hiện nay như: COVID-19, tay chân miệng, đau mắt đỏ, cúm… nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã trang bị hệ thống bồn rửa và xây dựng thói quen rửa tay cho học sinh, góp phần phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Trường học xây dựng thói quen rửa tay cho học sinh
Đã thành thói quen, mỗi buổi sáng trước khi bước vào lớp, sau giờ ra chơi và trước mỗi bữa ăn, hơn 1000 học sinh trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP. Biên Hòa) đều tập trung xếp hàng rửa tay. Thói quen tốt này giúp các con giữ bàn tay luôn sạch sẽ, phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh đang phổ biến hiện nay như: COVID-19, đau mắt đỏ, tay chân miệng, cúm…
Cô Hoàng Thị Ngọc – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: “Công tác y tế học đường được nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nhiều dịch bệnh như hiện nay. Trong chương trình học, các cô kết hợp hướng dẫn cho học sinh quy trình rửa tay 6 bước và giáo dục các con thói quen rửa tay trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh hay bất cứ lúc nào tay bẩn. Hiện nay, ngoài hệ thống vòi rửa trong nhà vệ sinh, nhà trường đã lắp đặt hệ thống bồn rửa với gần 50 vòi rửa và xà phòng, gel rửa tay đặt trong khuôn viên, tại các nơi thuận tiện để các con có thể rửa tay thường xuyên”.

Giáo viên hướng dẫn trẻ cách rửa tay theo 6 bước tại Trường mầm non Hoa Sen (TP. Biên Hòa, Đồng Nai).
Tại Trường mầm non Hoa Sen (TP. Biên Hòa), cô Trần Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng cho biết, năm học này, trường có trên 500 cháu ở độ tuổi mầm non, nhà trẻ. Do ở độ tuổi này, các con thường xuyên đưa tay lên mắt, mũi, miệng; nhiều bé còn có thói quen cắn móng tay. Vì vậy, một trong những kỹ năng mà các cô hướng dẫn cho các con ngay từ ngày đầu đến trường đó là cách rửa sạch tay với xà phòng. Hàng ngày, đều đặn theo các khung giờ, các cô đều cho các con rửa tay với xà phòng để có bàn tay sạch, phòng ngừa bệnh tật lây lan.
Theo thông tin từ Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Nai, hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều có vòi nước rửa tay cho học sinh. Đặc biệt, nhiều trường khối tiểu học và mầm non đã đầu tư thêm hệ thống bồn rửa nhiều vòi đặt trong khuôn viên để giúp các con thực hành thói quen rửa tay với xà phòng. Trong chương trình học, giáo viên cũng kết hợp hướng dẫn cho học sinh quy trình rửa tay 6 bước với xà phòng, dán các pano, áp phích hướng dẫn về quy trình rửa tay sạch, tuyên truyền cho phụ huynh cùng con thực hành rửa tay đúng cách, đúng thời điểm để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Rửa tay giúp phòng các bệnh truyền nhiễm
Theo các nghiên cứu y khoa, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung ở kẽ tay và kẽ móng tay). Cụ thể, cứ mỗi 1cm2 trên bàn tay có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và nhiều tác nhân gây bệnh khác.
Theo thống kê của Bộ Y tế, gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao như: cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu… có liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rửa tay với xà phòng ở các thời điểm quan trọng như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm tới gần 50% trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi… Chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, vi rút vốn là nguyên nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm.

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) rửa tay.

Quy trình rửa tay 6 bước.
BS.CKI Phan Văn Phúc – Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai khuyến cáo: Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên chạm vào người khác hoặc các bề mặt, phát sinh việc tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Sau đó, có thói quen đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng khiến mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Do đó, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch có thể giúp mỗi người phòng được các bệnh truyền nhiễm và tránh lây bệnh cho người khác.
Thời điểm quan trọng cần rửa tay
Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế khuyến nghị 10 thời điểm quan trọng cần rửa tay với xà phòng gồm:
- Sau khi ho/hắt hơi;
- Trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thực phẩm;
- Sau khi đi làm về/từ bên ngoài trở về nhà;
- Sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh;
- Sau khi đi vệ sinh; Sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ;
- Sau khi mua sắm/cầm tiền;
- Sau khi tiếp xúc vật nuôi;
- Trước khi đi vào lớp học;
- Bất cứ khi nào tay bẩn.
|
Thiên Thanh