Xác định tầm quan trọng của y tế trường học (YTTH) đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác YTTH, góp phần nâng cao thể chất cho học sinh cũng như chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhiều chỉ tiêu vượt mức đề ra 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các trường học trên địa bàn TP. Biên Hòa đều đầu tư một số trang thiết bị, danh mục thuốc cơ bản phục vụ công tác YTTH. Bên cạnh đó để nâng cao nhận thức về dịch bệnh cho học sinh, nhà trường triển khai công tác truyền thông về giáo dục sức khoẻ bằng nhiều hình thức. 

Cô Trần Thị Ngà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, TP. Biên Hoà) cho biết: công tác y tế học đường rất được nhà trường quan tâm, bởi nó đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển thể lực, trí tuệ cho các em học sinh. Chính vì vậy ngoài việc kiểm tra sức khỏe cho các em theo định kỳ, uống thuốc tẩy giun, vitamin, phối hợp triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho các em thì nhà trường đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ thông qua các buổi chào cờ hàng tuần, trên các nhóm của giáo viên, để từ đó các cô có thể truyền đạt nội dung cho các em học sinh. Đối với tủ thuốc nhà trường trang bị đầy đủ các thuốc cơ bản, dụng cụ y tế để có thể kịp thời sơ cứu ban đầu cho các em nếu không may có chuyện xảy ra. 

CDC Đồng Nai kiểm tra công tác y tế học đường tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, TP. Biên Hòa.

Còn tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa), công tác y tế học đường cũng được nhà trường quan tâm, đặc biệt nhà trường luôn chú trọng đến các vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cô Đoàn Thị Thu Thuỷ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, giữ môi trường trong sạch cho các em, nhà trường đã thuê 2 nhân viên dọn dẹp vệ sinh các phòng học, khuôn viên trường. Nhà trường cũng ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường Sonadezi để thu gom và xử lý rác thải theo đúng quy định. 

Đối với cơ sở vật chất dạy và học nhà trường luôn cố gắng đảm bảo phòng học đúng diện tích, nhiệt độ, ánh sáng…theo quy định 

“Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho học sinh, ngay từ đầu năm nhà trường đã có kế hoạch triển khai khám sức khỏe định kỳ. Ngoài nhân viên y tế ở trường, hàng năm nhà trường ký hợp đồng với trạm y tế phường để khám sức khoẻ cho các cháu nhằm phát hiện sớm những bệnh của trẻ để trẻ được điều trị chăm sóc kịp thời. Ngoài ra, hàng năm nhà trường đều có kế hoạch truyền thông giáo dục sức khoẻ về các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, chân tay miệng…để các em biết cách phòng tránh”, cô Thuỷ chia sẻ. 

Ông Lương Trường Vĩnh, Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – YTTH, CDC Đồng Nai cho biết, nhờ có sự quan tâm phối hợp tốt trong công tác YTTH góp phần làm giảm tỷ lệ bùng phát của dịch bệnh. Cụ thể trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, 100% cơ sở giáo dục đã thành lập tổ thường trực phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị và xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với dịch COVID-19; tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Các nhà trường đều có sổ sách, hồ sơ lưu trữ tình trạng sức khoẻ học sinh. Công tác phòng chống bệnh, tật trong trường học được triển khai, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học.  

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, một số chỉ tiêu về y tế học đường đã vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể như hơn 72% tỷ lệ học sinh và giáo viên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thông tin, truyền thông phòng chống bệnh học đường, dịch bệnh trong trường học (chỉ tiêu 70%); hơn 15% giảm tỷ lệ mắc mới các bệnh tật ở trẻ mầm non, học sinh phổ thông như: cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường so với tỷ lệ năm 2020 (chỉ tiêu 30%); hơn 70% tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh phổ thông được nhà trường sàng lọc, tư vấn điều trị cận thị, cong vẹo cột sống, thừa cân, béo phì, bệnh răng miệng, rối loạn tâm thần học đường...

Vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Cũng theo ông Lương Trường Vĩnh, mặc dù thời gian qua công tác YTTH tại một số đơn vị làm rất tốt, tuy nhiên thực tế hiện nay công tác y tế học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cán bộ làm công tác y tế trường học chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác y tế trường học còn hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn bảo hiểm y tế học sinh. Hiện nay theo quy định, nhà trường muốn được trích chuyển 5% số tiền bảo hiểm y tế học sinh đóng nộp thì yêu cầu trường phải có nhân viên y tế đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh; ngoài ra, phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu cho học sinh khi xảy ra tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường. Hiện tại nhiều trường chưa đáp ứng được các yêu cầu trên, do đó thiếu tính chủ động trong triển khai các hoạt động y tế học đường.

CDC Đồng Nai làm việc với các trường học về công tác y tế học đường và phối hợp với nhà tài trợ hướng dẫn chăm sóc răng miệng, tặng kem đánh răng cho học sinh tiểu học.

Chính sách đối với nhân viên y tế còn quá thấp, nên cán bộ chưa an tâm công tác; đội ngũ nhân viên y tế trường học còn thiếu (80% số trường có nhân viên y tế tuy nhiên đa phần là dược sỹ, điều dưỡng, kiêm nhiệm, số trường có y sĩ trung cấp trở lên còn khá ít).

YS Trần Thị Thảo Nguyên, nhân viên y tế Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) cho biết, mặc dù đã làm việc 5 năm nhưng lương của chị cũng chỉ được 4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất kỳ khoản nào khác. Tuy nhiên công việc của chị là phải thường xuyên có mặt ở trường đầy đủ cả 2 buổi. Hầu như ngày nào cũng có học sinh phải đưa xuống phòng y tế để xử lý các bệnh chủ yếu như sốt, ho, đau đầu, té trầy xước chân tay... Đối với giáo viên dạy học nếu có việc họ có thể xin đổi tiết hoặc nhờ người đứng lớp thay, tuy nhiên với nhân viên y tế tại trường không thể nhờ ai được. Vì vậy đối với công việc, thời gian và đồng lương thực sự chưa tương xứng, chỉ mong nhân viên y tế trường học có một chế độ hợp lý để có thể yên tâm công tác. 

Thầy giáo Dương Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu (P.Hoà Bình, TP Biên Hoà) cho biết do trường không có nhân viên y tế nên việc chăm sóc sức khoẻ cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, chỉ mong sao có kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu để việc chăm sóc sức khoẻ cho học sinh được tốt hơn. 

Thanh Tú 

Share with friends

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN