Theo Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam, trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp (THA), tương đương 12 triệu người. Hiện nay, tỷ lệ người trẻ bị THA cũng gia tăng. Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng tỷ lệ người biết và có ý thức phòng tránh căn bệnh này còn thấp. Cụ thể là trong số 12 triệu người mắc bệnh có hơn 50% là chưa được phát hiện và trên 80% số người chưa được điều trị. Tại Đồng Nai, đến hết năm 2022, tổng số người bệnh THA được quản lý là hơn 79 ngàn người, nhưng trong đó chỉ có hơn 38 ngàn người được khám, cấp thuốc điều trị, còn lại vẫn chưa có một biện pháp điều trị nào.
BS.CKII Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, tại phòng khám tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, mỗi ngày có hơn 100 bệnh nhân đến khám các bệnh lý về tim mạch, trong đó, hơn 2/3 có bệnh lý THA. Bệnh nhân bị THA thường kèm theo các bệnh lý khác như: rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh đường hô hấp trên, dạ dày, loãng xương, viêm đa khớp… Đa số người mắc bệnh THA không có triệu chứng gì, thường phát hiện tình cờ hoặc khi xảy ra các biến chứng nặng. Các triệu chứng của bệnh cũng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người. Còn tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, có khoảng 30 đến 40% bệnh nhân phải nằm viện điều trị có liên quan đến bệnh THA, chiếm tỷ lệ khá cao trong điều trị các bệnh lý về tim mạch.

Ông P.N.N phải nhập viện điều trị THA do bỏ uống thuốc mặc dù có tiền sử THA gần 5 năm nay.
Ông P.N.N (nam 60 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, H. Nhơn Trạch) nhập viện do THA áp đột ngột. Người nhà cho biết, ông bị đau răng nên đi phòng khám gần nhà khám bệnh, khi đo huyết áp thấy tăng cao nên đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai cấp cứu. Khi đó, huyết áp lên tới 250/120 mmHg. Bệnh nhân được dùng thuốc hạ áp, hiện tại huyết áp đã ổn định. Tuy nhiên, từ khi nhập viện, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng tê tay chân nửa người. Cũng theo người nhà, ông N. có tiền sử THA 5 năm rồi nhưng không uống thuốc, hoặc nói dối gia đình đã uống rồi dấu thuốc đi, bệnh nguy hiểm nhưng ông không biết, lại có tiền sử uống rượu. Cũng may ông được phát hiện kịp thời để đưa đến bệnh viện, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân đến khám bệnh THA tại Phòng khám tim mạch Bệnh viện ĐK Đồng Nai được bác sĩ hướng dẫn cách ghi chép sổ theo dõi huyết áp tại nhà.
Còn chị N.T.T.M (43 tuổi, ngụ Phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) cho biết, chị bị THA 8 năm nay. Tuy nhiên, chị không uống thuốc huyết áp đều đặn và mỗi khi có vấn đề sức khỏe như đau nhức, chị thường ra nhà thuốc mua các loại thuốc giảm đau về uống, mà không biết rằng điều đó có thể là nguyên nhân làm THA. Mới đây trong lúc đi làm chị thấy mệt, đau đầu nên đi khám thì huyết áp tăng 190 nên các bác sĩ đã cho nhập viện và cấp cứu. “Sau lần này tôi sẽ đến thăm khám và uống thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ không dám chủ quan nữa” – chị M. nói.
BS Nguyễn Văn Tường, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho biết, thông thường cứ một tháng, các bệnh nhân THA sẽ đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và lấy thuốc về nhà uống đều đặn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp vẫn phải nhập viện cấp cứu vì huyết áp tăng đột ngột. Một số người phát hiện bệnh nhưng không uống thuốc đều nên huyết áp không ổn định. Bị THA nhưng dùng các thuốc khác cũng gây THA; uống rượu, ngừa thai, sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau có thể là nguyên nhân làm THA. Nếu lâu ngày không điều trị sẽ gây ra các biến chứng ngay thời điểm huyết áp tăng như cơn thiếu máu não thoáng qua, lâu dài thì gây đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mạch máu ngoại biên…
Theo BS Tường, những di chứng mà tai biến để lại thường rất nặng nề cho bệnh nhân và là gánh nặng cho gia đình. Do đó, người bị THA cần biết cách kiểm soát tốt huyết áp bằng việc thay đổi lối sống, cũng như tuân thủ điều trị bằng thuốc, không tự ý tăng hoặc giảm liều. Nếu có diễn biến bất thường, cần đi khám sớm để bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp, giảm thiểu rủi ro các biến chứng của bệnh.
Còn BS Bích Vân cũng cho hay, tại phòng khám tim mạch, chúng tôi cũng hướng dẫn bệnh nhân và cấp sổ theo dõi huyết áp tại nhà, bệnh nhân được đo huyết áp định kỳ vào giờ nhất định trong ngày, thường là vào buổi sáng 1 giờ sau khi thức dậy, HA tâm thu, tâm trương, nhịp tim, hoặc đo vào buổi chiều. Khi tái khám bệnh nhân đem sổ theo, qua đó bác sĩ đánh giá xem bệnh nhân điều trị huyết áp ổn định hơn chưa, từ đó sẽ điều chỉnh thuốc cho phù hợp, giúp huyết áp ổn định hơn. Đo huyết áp có thể tiến hành ở nhiều địa điểm khác nhau, đa số các trường hợp đo tại phòng khám bệnh. Tuy nhiên, đo huyết áp tại phòng khám có một số yếu tố ảnh hưởng về tâm lý có thể làm huyết áp người bệnh không chính xác. Do đó, đo huyết áp tại nhà cũng rất quan trọng để phát hiện bệnh huyết áp ẩn giấu. Nếu bệnh nhân thường xuyên đo huyết áp tại nhà và ghi chép lại sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích giúp bác sĩ điều trị bệnh nhân tốt hơn.
Điều trị THA không phải dễ dàng, nhưng nếu biết cách theo dõi, tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tăng giảm huyết áp đột ngột thì người bệnh có thể chung sống với bệnh THA lâu dài. Do đó, thường xuyên kiểm tra huyết áp để được chẩn đoán sớm, cũng như nhận biết tình trạng huyết áp của bản thân khi mắc bệnh để điều chỉnh là điều vô cùng cần thiết.
Hoàn Lê