Bệnh lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của con người. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Do vậy người bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, triệt để nhằm cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.

Gia tăng số ca mắc, chiếm nhiều trong độ tuổi lao động

Chị N.T. L (32 tuổi, ngụ ở Phú Giáo, Bình Dương) bị ho kéo dài. Mỗi lần bị ho, chị tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên, uống thuốc cả tháng chị vẫn không khỏi. Kèm theo cơn ho là những cơn đau ngực, khó thở, người gầy yếu, chị đi khám ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Tp. Hồ Chí Minh) và được phát hiện ra bệnh lao. Được người nhà giới thiệu, chị chuyển qua điều trị nội trú tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. 

Trường hợp khác là chị N.Q.G (27 tuổi, ngụ H. Tân Phú) được gia đình đưa đến Bệnh viện Phổi cấp cứu trong tình trạng ho ra máu nhiều. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan, kết quả chị bị lao. Trước đó, bố của chị cũng đang điều trị lao và sống cùng nhà. 
BS Huỳnh Phú Quốc – Phụ trách phòng khám đa khoa Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho hay, trong thời gian qua số người đến khám và điều trị các bệnh về lao tại bệnh viện tăng cao, đa số đều trong độ tuổi lao động (24-55 tuổi). Hầu hết những người đến đây đều bị ho dai dẳng kéo dài, nôn ói, tức ngực khó thở, một số trường hợp nặng bị ho ra máu.  

BS Huỳnh Phú Quốc thăm khám cho bệnh nhân lao tại Phòng khám Đa khoa Bệnh viện Phổi.

Lao là một bệnh truyền nhiễm, thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì khả năng lây sang rất nhiều người. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh. Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn… Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh.

Cần phát hiện và điều trị kịp thời

Theo cam kết của Việt Nam, đến năm 2035 sẽ chấm dứt bệnh lao, tuy nhiên công tác phòng, chống lao vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. BS Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết: “Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sau thời gian phòng chống đại dịch COVID-19 những kết quả phòng chống lao đã bị thụt lùi nghiêm trọng, kết quả công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh bị đẩy lùi bằng giai đoạn 2014-2015. Đây là mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng”.  

Từ khi có chiến lược quốc gia sàng lọc lao 2 X (X-quang - Xpert), việc chẩn đoán và sàng lọc bệnh lao dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, với máy xét nghiệm Gene Xpert, chỉ trong vòng 2 giờ là có kết quả, độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kết quả từ máy xét nghiệm Gene Xpert cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn, và vi khuẩn có kháng thuốc (kháng Rifamycin) hay không để có hướng điều trị phù hợp. 

Bệnh nhân lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Hàng năm, Bệnh viện Phổi Đồng Nai tổ chức thực hiện việc sàng lọc chủ động tại cộng đồng, qua đó phát hiện và hỗ trợ người mắc lao khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn, và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.  

“Ai cũng có thể mắc lao, vì vậy khi có ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp gồm: sụt ký nhanh, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi trộm ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở… Khi đó, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, chẩn đoán và được điều trị đúng theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia nếu mắc bệnh. Để hạn chế sự lây nhiễm vi trùng lao, người mắc lao cần được cách ly tại nhà bằng cách ở phòng riêng, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người thân hoặc cộng đồng. Người mắc lao nên được điều trị triệt để nhằm giảm bớt nguồn lây trong cộng đồng. Nếu có các triệu chứng nghi mắc lao, người dân nên đi tầm soát sớm để được điều trị kịp thời”, BS Huỳnh Phú Quốc khuyến cáo.  

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tháng 10-2022 ghi nhận mức tăng các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. WHO cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần 2 thập niên. Báo cáo nêu rõ, trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi (2021), 1,6 triệu người đã chết. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới, khi bình quân mỗi năm có trên 170.000 người mắc và khoảng 10.000 người chết do bệnh lao.

Mai Liên

Share with friends

Bài liên quan

[Video] Tọa đàm: 100% người mắc bệnh dại sẽ tử vong - Phòng ngừa ra sao?
Ghi nhận ca cúm A/H9 đầu tiên, Bộ Y tế hướng dẫn cách phòng cúm gia cầm lây sang người
Xuất hiện trẻ bị viêm não mô cầu tại Tây Ninh, cần tiêm vắc xin phòng bệnh
[Video] Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi
Các địa phương cần triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại
Chủ động phòng ngừa bệnh dại
Thêm 1 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ
[Infographics] Cúm A: Các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp
Khuyến cáo phòng bệnh hô hấp gia tăng
[Infographic] Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ
Toàn dân chung tay cùng ngành y tế phòng chống dịch bệnh
Chủ động phòng bệnh cúm khi thời tiết giao mùa
[Tọa đàm] Những điều cần biết để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Một số thông tin về bệnh đậu mùa khỉ
Hướng dẫn trẻ cách tự vệ khi bị chó tấn công
[Infographic] Bệnh đậu mùa khỉ và những điều cần biết
Đồng Nai tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Chủ động phòng chống bệnh lây từ động vật sang người

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN