Hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) sinh con có xu hướng ngày càng tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nếu có sự chia sẻ đúng cách từ gia đình cùng sự quan tâm từ phía nhà trường, các ban ngành liên quan thì có thể hạn chế được tình trạng này. 

Làm mẹ ở tuổi học sinh 

Trong khi bạn bè đều cắp sách đến trường thì em H.L.A. (15 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP. Biên Hòa) phải nghỉ học giữa chừng để ổn định tâm lý, sức khỏe để sinh con. Cuộc sống của A. trở nên bế tắc, phần vì bạn trai biến mất, phần vì không biết làm gì để nuôi con. 

A. cho biết, em quen người đàn ông hơn mình 16 tuổi trên mạng xã hội được khoảng 4 tháng. Qua mấy lần nói chuyện, hai người hẹn hò gặp nhau tại nhà của A., và những lần gặp nhau đó, 2 người đã gần gũi, thân mật với nhau. Hậu quả sau đó là A. có thai mà không hề hay biết. Đến khi mẹ của A. về thăm con, thấy con có những biểu hiện khác thường, bụng nhô to nên đưa em đi khám thì phát hiện em đã mang thai 28 tuần.

Khi biết A. có bầu và sinh con, bạn trai của A. đã bỏ trốn. Bên cạnh việc ổn định sức khỏe sau khi sinh mổ, A. phải điều trị thêm bệnh sùi mào gà do lây từ chính người bạn trai của mình. Làm mẹ khi tuổi còn quá nhỏ, lại không có kiến thức về chăm sóc con nên mọi công việc từ thay tã, uống sữa… đều do mẹ của A. làm thay. 

“Khi đưa con đi khám, bác sĩ nói thai đã 28 tuần rồi. Tôi thật sự không thể ngờ, chỉ biết ôm con khóc. Lỗi một phần cũng do tôi” - bà T., mẹ A. nghẹn ngào nói. 

Theo bà T., hai vợ chồng bà đã ly hôn, A. ở cùng với bố, còn bà đi thêm bước nữa. Do A. không có điện thoại nên bà không thể điện thoại tâm sự thường xuyên với con mà thi thoảng mới tranh thủ đến thăm đôi lần, không ngờ lần thăm gần đây thì mọi chuyện đã đi quá xa. 

Lau giọt nước mắt trên má, bà T., bộc bạch: “Giờ tôi chỉ biết động viên, an ủi để giúp cháu ổn định sức khỏe, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, tôi sẽ đưa 2 mẹ con cháu về bên gia đình tôi ở để chăm sóc, sau đó sẽ lên trường xin bảo lưu kết quả học tập cho cháu. Chờ đến khi cháu thật sự ổn định sẽ cho cháu tiếp tục trở lại trường”. 

Nữ hộ sinh khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai tư vấn cho 1 trẻ VTN trước khi sinh con.

Nữ hộ sinh trưởng trại hậu sản thuộc khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai Trần Thủy Tiên cho biết, khi tiếp nhận chăm sóc những “bà mẹ trẻ” như thế này cảm thấy thương cho các em. Bởi các em đang tuổi ăn, tuổi học đã phải làm mẹ. Trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện các em thường thu hẹp bản thân lại. Đáng thương hơn cho những em đến từ các cơ sở Mái ấm không có người thân bên cạnh, nếu không có bạn bè trong mái ấm chăm sóc thì các em phải tự học cách tự chăm sóc bản thân lẫn đứa con thơ. 

“Phần lớn các trường hợp vào đây sinh con đều được sự đồng ý và chăm sóc của 2 bên gia đình, chỉ chờ đến ngày cả 2 đủ tuổi sẽ kết hôn. Đây là nguồn động viên, an ủi để các “bà mẹ trẻ” vượt qua. Tuy nhiên, việc làm mẹ quá sớm sẽ gây gây nhiều thiệt thòi cho trẻ VTN và sẽ gây ra nhiều hậu quả về sau” - nữ hộ sinh Tiên chia sẻ.

Theo thống kê từ khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, trong năm 2019 có 333 ca trẻ VTN đến sinh/tổng số 11.535 ca sinh, chiếm 3%. Riêng từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4, có 3.640 ca sinh, trong đó có 48 ca VTN, chiếm 1,3%. 

Hậu quả nặng nề 

Cơ thể trẻ ở tuổi VTN chưa phát triển đầy đủ, khi sinh con ở độ tuổi này sẽ đối diện với nhiều nguy cơ về tâm lý cũng như sức khỏe. 

Bác sĩ Phương Anh cho hay, việc mang thai và sinh con ở tuổi VTN để lại hậu quả rất nghiêm trọng và kéo dài. Do khi mang thai cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ gây chèn ép cho bé, người mẹ trẻ có tâm lý sợ hãi và dễ xảy ra tình trạng sinh non, thai lưu và hội chứng thần kinh như tự kỷ, trầm cảm… Còn đứa bé do trẻ VTN sinh ra bị nhẹ cân và có nguy cơ tự kỷ cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ đã trưởng thành. Bên cạnh đó, việc chăm sóc và nuôi dạy đứa bé không được đảm bảo, bởi người mẹ quá trẻ, chưa có kiến thức, kỹ năng và kinh tế. Việc học hành của các bà mẹ trẻ bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này.

“Mang thai và sinh con ở tuổi VTN là một tổn thương quá lớn chứ không phải là thiên chức làm mẹ nữa. Bởi cơ thể của trẻ phát triển chưa đầy đủ về thể chất và tinh thần mà phải làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ” – bác sĩ Phương Anh nói. 

Còn Ths.BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện ĐK Đồng Nai cho hay, việc sinh con ở tuổi VTN để lại rất nhiều hệ lụy về sau cho trẻ. Vì trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn sẽ dẫn đến mắc nhiều căn bệnh như: giang mai, sùi mào gà, HIV, viêm gan B, nhiễm HPV có nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung, nhiễm vi rút gây vô sinh. Điển hình như trường hợp của trẻ VTN H.L.A., do không có sự hiểu biết và quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến lây bệnh sùi mào gà từ bạn trai. 

Giáo dục giới tính cho trẻ cần sự quan tâm từ gia đình

Hiện nay, xu hướng yêu và quan hệ tình dục ở lứa tuổi VTN quá sớm, trong khi các kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế dẫn tới việc mang thai, nạo phá thai và sinh con...

Theo bác sĩ Hoan, nguyên nhân chung của tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết về kiến thức sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục quá sớm, trong khi thiếu sự quan tâm từ bố mẹ. Do đó, để hạn chế tình trạng mang thai ở tuổi VTN điều quan trọng là cần sự chia sẻ từ gia đình các bé. Bố mẹ không nên né tránh hay chờ khi con trưởng thành, có bạn trai mới nói mà nên tâm sự cùng trẻ khi trẻ còn nhỏ. 

Chẳng hạn, nếu trẻ nhỏ thì chia sẻ cho trẻ cách phát hiện lạm dụng tình dục, trẻ lớn hơn nói về những hậu quả của việc quan hệ tình dục quá sớm... “Phần lớn phụ huynh có quan niệm sợ chia sẻ với con quá sớm như kiểu “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng thật ra “hươu” đã chạy từ lâu rồi mà phụ huynh không biết. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các phụ huynh nên mạnh dạn tâm sự với trẻ càng sớm càng tốt” – Ths.BS Hoan nói.

Còn bác sĩ Phương Anh cho rằng, phần lớn trẻ VTN chưa có kiến thức về sự nguy hiểm của việc quan hệ tình dục không an toàn, một số trẻ hiểu nhưng chưa đúng, cứ nghĩ chỉ cần uống thuốc tránh thai là xong nên dẫn đến tình trạng trẻ VTN mang thai và làm mẹ tuổi còn học sinh là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế tình trạng này, cần phải có sự quan tâm từ nhiều phía, như gia đình, nhà trường và các ban ngành liên quan. Cần đẩy mạnh giáo dục tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản tại các trường học, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng nạo phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019 toàn tỉnh có 2.145 trẻ VTN sinh con. 3 tháng đầu năm 2020, có 378 trẻ VTN sinh con. Tình trạng mang thai, nạo phá thai và sinh con ở trẻ tuổi VTN Việt Nam đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới.

Sao Mai 

Share with friends

Bài liên quan

[Video] Tọa đàm: Tại sao nên khám phụ khoa định kỳ?
Polyp buồng tử cung – Kẻ thù thầm lặng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Những lưu ý đối với đái tháo đường thai kỳ
Sàng lọc trước sinh để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác
Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp tránh mang thai ngoài ý muốn
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?
Cần sàng lọc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Nguy hiểm khi mang thai ngoài tử cung
Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên
Có tới 53,6% các ca phá thai là mang thai ngoài ý muốn
Trầm cảm sau sinh – kẻ giết người thầm lặng
Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Không chủ quan với căn bệnh “khó nói” ở phụ nữ
Chủ động tầm soát để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Ngày tránh thai Thế giới 26-9: Lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn
Kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11-7: Nhật ký của em
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh để có những đứa con khỏe mạnh
1

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN